"Mất tiền mà không được gì hết"
N.M.T, sinh viên năm 2 tại một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn ấm ức khi kể lại trải nghiệm xin việc làm thêm dịp cận hè. Thấy quảng cáo việc "đóng hàng" trên Facebook, T. liên hệ với người đăng tin và được thông báo là đã đủ nhân viên. Sau đó, người "tuyển dụng" hướng dẫn T. làm việc online tạm thời để sắp xếp công việc.
Nhiệm vụ được giao mỗi ngày đó là truy cập vào hệ thống, xử lý cc đơn hàng khách đặt mua, mỗi đơn gửi đi thành công sẽ có được nhận "hoa hồng". Đầu tiên nạn nhân sẽ phải đăng kí tài khoản, có sẵn 30.000 đồng trong hệ thống và thực hiện theo những yêu cầu được đưa ra. Ban đầu, T. nhận được vài ngàn đồng, từ những đơn sau bắt đầu nhân lên.
Những phương thức lừa đảo để đưa nạn nhân vào "bẫy". Ảnh chụp màn hình NVCC
"Đến đơn thứ 5 thì em thấy nghi ngờ nhưng cố liều để rút lại được chút ít rồi tính không làm nữa. Nhưng người ta bảo phải được 6 đơn mới cho rút thì em bấm đơn cuối cùng và rồi đơn đấy lên đến 12 triệu. Giờ em đã mất khoảng hơn 3 triệu không rút lại được. Đây là bài học đầu đời cho em và thực sự em cảm thấy rất có lỗi với số tiền mà bố mẹ tiết kiệm để em đóng học phí." T. tâm sự.
Lừa đảo nở rộ mỗi mùa hè
Lừa đảo trên không gian mạng ngày một phổ biến. Ảnh minh hoạ
Theo ghi nhận, từ đầu tháng 5 đến nay, trên các hội nhóm Facebook, Zalo, TikTok... xuất hiện dày đặc các tin tuyển dụng mùa hè nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên. Từ việc phục vụ, cộng tác viên online đến các công việc như đóng gói hàng, nhập liệu, bán hàng livestream... đều được quảng cáo "lương cao, làm việc nhẹ, không yêu cầu kinh nghiệm".
Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài hấp dẫn đó là vô số cái bẫy: từ việc yêu cầu đóng phí "đào tạo", "đồng phục", "giữ chỗ", đến hình thức giao hàng rồi mất hút, hoặc yêu cầu nạp tiền, chạy KPI ảo để... không bao giờ được thanh toán.
Mới đây, Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) tiếp nhận trình báo của anh K. (SN 2000, trú tại phường Dịch Vọng) về việc bị lừa đảo gần 200 triệu đồng khi ứng tuyển vào một trường quốc tế.
Ngày 11/4/2025, do có nhu cầu làm thêm, anh K. tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội và để lại thông tin ứng tuyển vào một trường quốc tế qua quảng cáo trên Facebook. Ngay sau đó, một người tự xưng là nhân viên tuyển dụng liên hệ với anh, hướng dẫn anh làm bài kiểm tra IQ, EQ và tham gia "dự án An sinh xã hội" do "trường phối hợp với Vietlott" thực hiện – điều kiện bắt buộc để được nhận việc.
Ban đầu, anh K. chuyển 100.000 đồng để "làm nhiệm vụ" và nhận lại 300.000 đồng, tạo lòng tin. Tin tưởng vào dự án "lợi nhuận 40%", anh tiếp tục đầu tư gần 200 triệu đồng. Khi yêu cầu rút tiền, hệ thống báo lỗi và yêu cầu chuyển thêm 100 triệu đồng để "xử lý sự cố". Lúc này, anh K. mới nhận ra mình bị lừa và trình báo cơ quan công an.
Một số chiêu trò ngày càng được "chuyên nghiệp hóa" nhằm lấy lòng tin nạn nhân:
- Việc "ảo" đặt cọc "thật": Tuyển dụng qua tin nhắn hoặc Zalo, yêu cầu chuyển khoản đặt cọc giữ việc, sau đó lặng lẽ biến mất.
- Cộng tác viên ôm hàng: Giao hàng số lượng lớn cho sinh viên bán, nhưng sau khi "ế ẩm", không thể trả lại.
- Việc online "ngồi nhà kiếm tiền": Hướng dẫn làm khảo sát, like video, đánh giá sản phẩm... để kiếm vài chục ngàn, rồi dụ nâng cấp tài khoản, nạp tiền, cuối cùng mất trắng.
- Tuyển dụng qua TikTok: Một số chủ shop tạo hình ảnh "đội ngũ trẻ năng động", thực chất là tuyển cộng tác viên không lương để làm kênh TikTok, bình luận ảo, tăng tương tác.
Cẩn trọng để không "trả học phí cho đời" quá sớm
Mùa hè là khoảng thời gian quý giá để học sinh, sinh viên học hỏi, trải nghiệm và trưởng thành. Nhưng nếu thiếu sự tỉnh táo, mùa hè cũng có thể trở thành khoảng thời gian của những cú lừa đau đớn. Đừng để vài lời mời ngọt ngào biến một công việc làm thêm thành một bài học đắt đỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!