Cảnh báo cháy rừng tại miền Bắc: Vật liệu dễ cháy còn chất đống, rủi ro vẫn rình rập

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 19/04/2025 07:07 GMT+7

bangdatally.xyz - Từ đầu năm 2025, cả nước xảy ra 129 vụ cháy rừng, tăng mạnh so với năm ngoái. Nguy cơ bùng phát còn cao do thời tiết cực đoan và sự bất cẩn của con người.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 129 vụ cháy rừng, tăng tới 70 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng diện tích rừng bị thiêu rụi đã vượt 100 héc ta, với thiệt hại chủ yếu tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Trong số đó, riêng tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra tới 35 vụ cháy, chủ yếu ở những cánh rừng tự nhiên tái sinh, nơi có nhiều dây leo, bụi rậm và cây gỗ non, dễ bắt lửa. Tại các tỉnh vùng duyên hải và trung du phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, số vụ cháy rừng cũng đã vượt 33 vụ.

Cảnh báo cháy rừng tại miền Bắc: Vật liệu dễ cháy còn chất đống, rủi ro vẫn rình rập - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận khoảng 129 vụ cháy rừng

Một trong những nguyên nhân được cho là làm gia tăng nguy cơ cháy rừng chính là hậu quả của bão số 3 Yagi. Cơn bão này đã khiến hơn 119.000 héc-ta rừng bị gãy đổ, tạo ra khối lượng lớn vật liệu dễ cháy như cành khô, lá mục, thân cây đổ. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, người dân và chính quyền địa phương chưa kịp thu dọn kịp thời, khiến những tàn dư sau bão trở thành "mồi lửa" nguy hiểm trong điều kiện thời tiết hanh khô.

Đáng chú ý, các loại rừng trồng như thông, keo, bạch đàn, những loại cây có khả năng bắt lửa rất nhanh, lại chiếm tỷ lệ lớn tại các địa phương bị ảnh hưởng.

Ông Trần Mạnh Long, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Ngông nghiệp và Môi trường, cho biết: "Nguyên nhân chính của các vụ cháy rừng từ đầu năm đến nay là do ảnh hưởng kéo dài của thời tiết nắng nóng, khô hạn bất thường. Đặc biệt, hậu quả của cơn bão số 3 Yagi đã khiến hơn 119.000 héc-ta rừng bị gãy đổ, sinh ra hàng triệu tấn vật liệu dễ cháy".

Cảnh báo cháy rừng tại miền Bắc: Vật liệu dễ cháy còn chất đống, rủi ro vẫn rình rập - Ảnh 2.

Ông Trần Mạnh Long, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Ngông nghiệp và Môi trường, cho biết nguyên nhân của các vụ cáy rừng trong thời gian gần đây

Chỉ trong vài ngày giữa tháng 4, hàng chục vụ cháy đã xảy ra. Tại Quảng Ninh, hai vụ cháy lớn tại phường Đại Yên (TP.Hạ Long) và Khe Mụ (huyện Bình Liêu) đã thiêu rụi hơn 40 héc-ta rừng. Tại Bắc Giang ghi nhận 9 vụ cháy trong một ngày, còn Lạng Sơn và Hà Nam cũng có nhiều điểm cháy mới.

Lý giải về thời điểm xảy ra cháy thường là buổi chiều đến đêm, ông Long cho biết: "Nhiều người nghĩ cháy rừng xảy ra ban đêm, nhưng thực tế là từ sau 13h là thời điểm nhiệt độ cao, độ ẩm thấp và gió thổi mạnh. Khi gặp nguồn lửa, đặc biệt trong mùa người dân đốt nương làm rẫy hoặc xử lý thực bì trồng rừng mới, cháy rừng rất dễ bùng phát".

Địa hình rừng núi hiểm trở cũng khiến công tác dập lửa gặp vô vàn khó khăn. Thiết bị cơ giới không thể tiếp cận vùng cháy ở đỉnh núi cao, lực lượng chữa cháy chủ yếu vẫn phải dùng biện pháp thủ công như bàn dập lửa, cuốc xẻng, máy thổi gió… Trong nhiều vụ, lửa bùng lên vào chiều tối, cháy suốt đêm và thậm chí bùng phát trở lại vào hôm sau.

"Đa phần các vụ cháy có nguyên nhân trực tiếp từ sự bất cẩn của con người. Từ việc đốt nương làm rẫy, xử lý thực bì không kiểm soát,…", ông Long nhận định.

Pháp luật hiện hành đã có quy định rất cụ thể về xử lý các hành vi vi phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định rõ tại Điều 17 và Điều 20 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, bao gồm các hành vi đốt nương, đốt thực bì không đúng quy định, gây cháy lan ra rừng. Ngoài ra, trong những trường hợp nghiêm trọng, hành vi gây cháy rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tuy nhiên, để có thể xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải thực hiện đầy đủ, kịp thời công tác điều tra nguyên nhân cháy, làm rõ hành vi cụ thể của từng cá nhân hoặc tổ chức liên quan.

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 3, với gần 130.000 héc-ta rừng bị ảnh hưởng do cây gãy đổ, tương đương gần 1/3 tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Ngay sau bão, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó tập trung vào việc dọn dẹp, thu gom và xử lý triệt để lượng cây bị gãy đổ, nhằm phục hồi nguyên trạng rừng. Tuy nhiên, theo thống kê, khối lượng cây gãy đổ sau bão lên tới khoảng 6 triệu tấn, nếu không được thu gom và xử lý triệt để, sẽ trở thành nguồn vật liệu dễ cháy.

Cảnh báo cháy rừng tại miền Bắc: Vật liệu dễ cháy còn chất đống, rủi ro vẫn rình rập - Ảnh 3.

Những người dân ở Quảng Ninh đang chủ động đốt phần thực bì, là những cây trồng bị gãy đổ sau bão số 3

Theo ông Long, nguyên nhân chủ yếu là do các khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu nằm trên đồi núi cao, khó tiếp cận và chi phí dọn dẹp lớn.

"Với rừng thuộc quản lý của Nhà nước, sẽ có phương án vệ sinh trình phê duyệt và nhận ngân sách. Nhưng với rừng của hộ gia đình, cá nhân, họ phải tự bỏ kinh phí. Điều này là rất khó thực hiện nếu không có hỗ trợ", ông Long cho biết thêm.

Cháy rừng liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương miền Bắc không chỉ do lượng vật liệu dễ cháy tồn đọng sau bão, mà còn xuất phát từ điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là nắng nóng kéo dài, ít mưa. Tại nhiều khu vực, lượng mưa hiện ghi nhận thiếu hụt tới 80 – 90% so với trung bình nhiều năm, khiến độ ẩm trong rừng giảm mạnh, gia tăng nguy cơ cháy lan trên diện rộng.

Cảnh báo cháy rừng tại miền Bắc: Vật liệu dễ cháy còn chất đống, rủi ro vẫn rình rập - Ảnh 4.

Tổng lượng mưa ở miền Bắc phần lớn các trạm từ vùng núi xuống đồng bằng, ven biển đều thiếu hụt hơn 50 % so với trung bình của các năm trước

Cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp cũng khuyến cáo người dân hạn chế dọn thực bì trong những ngày hanh khô, tuyệt đối không đốt nương bừa bãi và phải có người canh gác khi sử dụng lửa trong rừng.

"Cục Kiểm lâm và Lâm nghiệp có ban hành các văn bản hướng dẫn, nhưng kinh phí hỗ trợ phải thực hiện theo quy định của pháp luật", ông Long chia sẻ.

Những đám cháy rừng liên tiếp xảy ra trong những ngày qua là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc cho chúng ta, khi sự bất cẩn của con người cộng hưởng với biến đổi thời tiết cực đoan, để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Chỉ một tàn thuốc lá vô tình, một đốm lửa nhỏ từ việc đốt nương rẫy trong điều kiện thực bì khô khốc, cũng có thể bùng lên thành biển lửa, thiêu rụi hàng trăm héc ta rừng. Thứ còn sót lại chỉ là khói bụi, tro tàn và nỗi lo môi trường bị tổn hại lâu dài. Không chỉ vậy, cháy rừng còn ảnh hưởng đến ngành du lịch, đe dọa sinh kế của người dân địa phương, và để lại những hệ lụy lâu dài về kinh tế - xã hội.

Bài học này không mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Bảo vệ rừng không phải là trách nhiệm riêng của ngành kiểm lâm, mà là nhiệm vụ của cả cộng đồng. Và nhiệm vụ đó phải bắt đầu từ ý thức, từ hành động cụ thể của mỗi người dân, ngay từ những điều nhỏ nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước