Đấu thầu được coi là một công cụ quan trọng để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhằm ký kết và thực hiện các hợp đồng tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và đầu tư kinh doanh. Mục tiêu là bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Nói cách khác, đây là phương thức giúp triển khai các công trình một cách nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quá trình này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thậm chí, đấu thầu đang trở thành một điểm nghẽn lớn trong triển khai các dự án. Góp ý cụ thể về việc sửa đổi một số điều trong các luật liên quan đến đấu thầu, ngân sách và đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là tình trạng "có tiền mà không tiêu được" kéo dài suốt nhiều năm qua.
Trước phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về những bất cập trong công tác đấu thầu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho rằng Tổng Bí thư đã chỉ rõ những điểm nghẽn rất sát với thực tiễn hiện nay.
"Quy trình đấu thầu hiện tại đôi khi quá rườm rà, phức tạp. Khi được luật hóa một cách cứng nhắc, vô tình tước đi quyền tự chủ của chủ đầu tư. Ngay cả khi muốn đơn giản hóa một vài thủ tục, họ cũng phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định, không có không gian linh hoạt. Đặc biệt, với các dự án ODA, quy trình đấu thầu của nhà tài trợ lại không tương thích với Luật Đấu thầu Việt Nam, dẫn đến ách tắc trong triển khai", ông Huân phân tích.
Ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chia sẻ những nội dung về đấu thầu
Theo ông Huân, để xử lý, ban quản lý phải có năng lực và sự linh hoạt nhất định. Nhưng luật lại "trói cứng", không cho phép điều chỉnh phù hợp với đặc thù của từng dự án.
Không phải mọi dự án đều nên áp dụng đấu thầu theo một quy trình cứng nhắc. Các lĩnh vực có đặc thù như nghiên cứu khoa học, y tế, công nghệ cao... cần lựa chọn hình thức phù hợp như chỉ định thầu hoặc chào thầu cạnh tranh dựa trên chất lượng.
"Chọn nhà thầu cho các dự án khoa học công nghệ thì phải mang đặc trưng của ngành này. Có khi chỉ có nhà phát minh mới nắm công nghệ, nếu lại lập hội đồng mà chưa được kiểm chứng thì đánh giá không chính xác", ông Huân nói.
Tương tự, với các loại thuốc đặc trị, việc áp dụng quy trình đấu giá như hiện nay khiến bệnh nhân không tiếp cận được thuốc tiên tiến. Cần phân loại rõ từ khâu lập kế hoạch đấu thầu. Dự án nào cần chọn giá rẻ, dự án nào cần đánh giá chất lượng, kỹ thuật thì phải ghi rõ ngay từ đầu. Không thể lấy một tiêu chí áp cho mọi gói thầu.
Trước đây, cứ mua sắm thiết bị thí nghiệm, vật tư, nguyên liệu, máy móc trên 100 triệu đồng, các nhà khoa học phải tổ chức đấu thầu
Một vấn đề lớn khác được ông Huân chỉ ra là giám sát lỏng lẻo trong thực thi. "Chúng ta quy định nhiều bước, nhưng giám sát lại không chặt. Luật thì cứng, nhưng lại có kẽ hở để thông thầu, chia chác", ông Huân cảnh báo.
Dẫn ví dụ quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á – các tổ chức này có quy trình chặt chẽ, nhưng đảm bảo linh hoạt, minh bạch và liêm chính. Họ cấm tuyệt đối các hành vi gian lận, tham nhũng, thông thầu và lạm dụng quyền lực. Nếu phát hiện vi phạm, nhà thầu có thể yêu cầu tổ chức đấu thầu lại hoặc khiếu kiện dễ dàng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc đấu thầu kéo dài, cuối cùng chọn được nhà thầu không đủ năng lực, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Vì vậy, việc lập kế hoạch đấu thầu cần tiến hành từ sớm, đặc biệt với các dự án cấp bách.
"Nếu cơ cấu vốn mất vài tháng, rồi lập kế hoạch đấu thầu mất thêm vài tháng nữa, lại mời quan tâm, lựa chọn hồ sơ… thì có khi hết năm chưa chọn được nhà thầu. Đó là lý do khiến giải ngân đầu tư công bị ách tắc", ông Huân nhấn mạnh.
Dẫn ví dụ thành công từ dự án đường dây điện 500kV mạch 3, nhờ đấu thầu trước 226 gói thầu vật tư, thiết bị và xây lắp, toàn bộ dự án chỉ mất 6 tháng thi công. "Nếu có quyết tâm và lập kế hoạch từ sớm, ta hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí và đảm bảo chất lượng", ông Huân cho biết thêm.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 24, Bộ Y tế cũng đã có liên tiếp ba thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, giúp cho các lãnh đạo các cơ sở y tế công yên tâm, chủ động tổ chức đấu thầu thuốc và vật tư y tế, không để tình trạng thiếu thốn nhiều thứ như vừa qua
Góp ý về dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, ông Huân hoan nghênh quy định cho phép doanh nghiệp nhà nước được tự quyết hình thức chọn nhà thầu đối với dự án không sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, ông cho rằng cần tách bạch rõ giữa đấu thầu đất đai và đấu thầu công nghệ.
"Nhiều người có tiềm lực tài chính thì trúng đấu thầu đất, nhưng lại không sở hữu công nghệ. Còn người có công nghệ thì lại không có năng lực tài chính để tham gia. Chúng ta nên ưu tiên công nghệ, chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch, sau đó chỉ tổ chức lựa chọn công nghệ thay vì chọn giá", ông Huân đề xuất.
Cuối cùng, vấn đề không nằm ở việc lựa chọn hình thức đấu thầu nào, mà ở cách triển khai có thực sự khách quan, minh bạch, vì lợi ích chung và với tinh thần "muốn làm trúng, làm đúng" hay không. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, xây dựng công trình cho Nhà nước cũng phải có trách nhiệm như xây ngôi nhà của chính mình, cần chọn kiến trúc sư giỏi, người thi công tốt nhất, bởi đó là tài sản công, phục vụ người dân.
Chỉ khi thực sự thấm nhuần tinh thần ấy, mới có thể khắc phục những "căn bệnh" kéo dài như vật liệu xây dựng nằm phơi mưa nắng trên công trường, bệnh nhân phải chờ đợi thuốc men, thiết bị y tế để được điều trị, hay những ý tưởng đổi mới bị lỗi thời vì phải chờ công nghệ, chương trình... chậm được triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!