Diễn biến thời tiết cực đoan những ngày qua đang đặt ra câu hỏi: liệu đây có phải là dấu hiệu báo trước một mùa mưa lũ bất thường, phức tạp và khốc liệt hơn những năm trước?
Dù theo dự báo, đêm nay và ngày mai miền Bắc mới bước vào cao điểm của đợt mưa lớn, nhưng trong những ngày vừa qua, mưa lớn đã khiến nhiều người thương vong, nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, tài sản và hoa màu bị cuốn trôi. Cuộc sống của người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng đang bị đảo lộn, đối mặt với vô vàn khó khăn, nguy hiểm rình rập.
BĐBP Lai Châu cùng các lực lượng đưa thi thể nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ sạt lở.
11 người thương vong do sạt lở đất, lũ cuốn
Tỉnh Lai Châu là nơi ghi nhận thiệt hại nặng nề nhất về người. Trưa hôm qua, tại xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, hơn 200m3 đất đá trên taluy dương bất ngờ sat lở xuống khu vực đang thi công công trình thủy điện Tả Pảo Hồ 1A. Vụ sạt lở làm 4 người bị thương nặng và vùi lấp 5 người. Đến đầu giờ chiều nay 5 thi thể nạn nhân đã được tìm thấy
Mưa lớn kéo dài từ ngày 14 đến 15/5 ở thành phố Lai Châu còn gây ngập sâu hơn 50 ngôi nhà, sập tường rào, sạt lở mái taluy sau nhà, nhiều công trình bị hư hỏng, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay.
Còn tại Lào Cai, mưa lớn và sạt lở đất cũng đã khiến 2 người thiệt mạng - một người ở thị xã Sa Pa và một người ở huyện Bát Xát. Tuyến Tỉnh lộ 152, đường đi từ Ô Quý Hồ đến bản Cát Cát bị sạt lở nặng, các phương tiện không thể lưu thông. 35 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở đất vào nhà khiến cuộc sống người dân thêm phần khó khăn.
Mưa lớn đầu mùa, Bắc Bộ đối mặt với nguy cơ sạt lở đất
Tháng 5 đánh dấu thời điểm bắt đầu mùa mưa lũ ở Bắc Bộ, với mưa lớn thường tập trung tại khu vực vùng núi và trung du.
Nguyên nhân chủ yếu do rãnh áp thấp dịch chuyển xuống, nằm vắt ngang qua khu vực này. Đồng thời, ở độ cao từ 3.000 đến 5.000 mét, các vùng hội tụ gió mạnh thường xuyên xuất hiện vào chiều tối và ban đêm. Khi kết hợp với nền nhiệt cao vào ban ngày, những điều kiện này dễ dẫn đến sự hình thành các ổ mây dông đối lưu mạnh, gây ra mưa rất to, mang tính cục bộ.
Đây cũng là kiểu hình thế thời tiết điển hình gây ra hiện tượng mưa lũ tiểu mãn trong tháng 5 hằng năm – được xem là dấu mốc khởi đầu cho mùa mưa lũ và thiên tai ở khu vực Bắc Bộ.
Điều đáng lo ngại là những trận mưa lớn cục bộ đầu mùa như vậy rất dễ gây ra lũ quét và sạt lở đất. Nguy cơ càng trở nên nghiêm trọng khi khu vực miền núi vừa trải qua thời kỳ khô hạn kéo dài, đất đá khô cứng, rời rạc. Chỉ một đến hai trận mưa lớn đầu mùa cũng đủ khiến nước mưa thấm nhanh, làm suy yếu kết cấu địa chất, dẫn đến trượt lở nghiêm trọng — như những thiệt hại nặng nề đã xảy ra trong những ngày vừa qua.
Nguy cơ sạt lở rất cao trong mùa mưa lũ ở Bắc Bộ
Các hình thế mới chỉ là giai đoạn bước vào mùa mưa thôi. Còn thời kỳ mưa lũ cao điểm của Bắc Bộ còn gắn liền với sự hoạt động của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới nữa. Những yếu tố này sẽ quyết định mức độ cực đoan của mùa mưa lũ năm nay.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: "Dự báo trong cuối tháng 5 lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm. Thời kỳ mưa nhiều ở Bắc Bộ sẽ từ tháng 7 đến tháng 9, trong giai đoạn này thì nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất cao. Nhận định về bão năm nay, ENSO trung tính nên số lượng bão sẽ tương đương trung bình nhiều năm. Khoảng trung tuần tháng 6 trên biển Đông, ít có khả năng xuất hiện bão dồn dập. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ khoảng 11-13 cơn trên biển Đông, trong đó có khoảng một nửa, 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Ít có khả năng xuất hiện siêu bão mạnh như Yagi, vì 30 năm mới có một cơn. Tuy nhiên đề phòng bão có đường đi phức tạp. Mùa bão ở Bắc Bộ từ tháng 7-9 trùng với mùa mưa, giai đoạn cuối năm, tháng 9, 10, 11 sẽ dịch chuyển vào Trung Bộ".
Xây dựng cộng đồng thích ứng thiên tai ở Lào Cai
Sau bão số 3, Yagi hồi tháng 9 năm ngoái, nhiều khu vực miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở, nhà cửa bị cuốn trôi, cuộc sống người dân đảo lộn. Từ đổ nát, mất mát, người dân xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang dần hồi sinh cuộc sống một cách bền vững hơn, an toàn hơn. Và đây cũng là thông điệp của Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2025 với chủ đề: "Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai".
Những thửa ruộng trồng lúa, ngô từng bị vùi lấp do lũ quét, sạt lở đất - giờ đây đã được phủ một màu xanh của cây dâu. Ở xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên cây dâu trở thành lựa chọn sinh kế của người dân do có khả năng chịu ngập tốt hơn nhiều loại cây truyền thống. Thay đổi để thích ứng - với nhiều người, đó không chỉ là lựa chọn, mà là vấn đề sống còn.
Ông Vũ Văn Trình, Xã Việt Tiến, Bảo Yên, Lào Cai cho biết: "Sau đó, qua cơn bão gia đình tôi chuyển đổi sang trồng dâu mà riêng cây dâu này nước ngập tầm 10,15 ngày không chết nên gia đình tôi rất yên tâm để phát triển cây dâu nuôi tằm".
Trận sạt lở đất do hoàn lưu bão Yagi hồi tháng 9 năm ngoái đã cướp đi ba người thân trong gia đình bà Liễu. Ngôi nhà khi ấy đã bị vùi lấp hoàn toàn. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng, đến nay, bà Liễu đã có một ngôi nhà mới - kiên cố hơn, an toàn hơn
Bà Lộ Thị Liễu, Xã Việt Tiến, Bảo Yên, Lào Cai cho biết: "Đến bây giờ tôi cũng chưa nguôi ngoai được. Làm được cái nhà kiên cố gia đình tôi cũng yên tâm hơn. Bây giờ mưa bão, nước dâng chúng tôi cũng sẵn sàng ứng phó với bão lũ".
Ông Ngô Hữu Bản, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bảo Yên, Lào Cai cho biết: "Đến nơi ở mới thì xã sẽ đến định hướng và khảo sát đảm bảo việc phù hợp quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, và vị trí phải đảm bảo an toàn khi sắp đến mùa mưa bão".
Những câu chuyện như ở Lào Cai không còn xa lạ tại Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề bởi thiên tai. Sự chủ động ứng phó của mỗi người dân được xem là yếu tố then chốt, góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết thêm: "Chúng ta phải tập trung để nâng cao nhận thức của cộng đồng. Khi mà người dân đủ nhận thức về rủi ro thiên tai, có những kỹ năng ứng phó thì sẽ xây dựng đc những kế hoạch cùng đoàn kết ứng phó khi thiên tai xảy ra"
Cộng đồng không chỉ là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng khi thiên tai xảy đến, mà còn là lực lượng đầu tiên đứng lên ứng phó, phục hồi và ổn định cuộc sống. Khi từng người dân hiểu rõ rủi ro, từng thôn bản có phương án sẵn sàng, và tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau được phát huy, thì năng lực chống chịu trước thiên tai của toàn xã hội sẽ ngày càng bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!