Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2025), phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trò chuyện với Nhà văn, Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phương Đông. Ông đã có hơn 40 năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng và viết nên những trang sách đầy xúc động về hành trình vĩ đại của Bác Hồ.
Theo Giáo sư, điều gì đã thôi thúc Bác quyết định ra đi tìm đường cứu nước?
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm trong ách đô hộ thực dân, nhân dân mất nước, đói khổ, lầm than. Các phong trào yêu nước như Cần Vương, Văn Thân, Đông Du, Duy Tân, phong trào chống sưu cao thuế nặng… đều bị đàn áp đẫm máu. Trước thực trạng ấy, Bác đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, mang theo hành trang là tình yêu quê hương, khát vọng giải phóng dân tộc và truyền thống quật cường của tiền nhân.
Con tàu đô đốc Latouche-Tréville đưa Bác rời Sài Gòn
Tại sao Bác lại chọn Hoa Kỳ là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình đi tìm đường cứu nước, thưa Giáo sư?
Mặc dù Bác đến nước Pháp trước nhưng chỉ với tư cách là phụ bếp trên con tàu đô đốc Amiral Latouche-Tréville. Từ Pháp, Người quyết định chọn nước Mỹ là điểm dừng chân đầu tiên vì đọc được bản tuyên ngôn độc lập 1776 với khẩu hiệu : "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Nước Mỹ, đặc biệt là thành phố Boston cũng là nơi khởi đầu của cuộc cách mạng lật đổ đế quốc Anh giành độc lập. Bác đã ở Boston trong 8 tháng.
Hơn 40 năm nghiên cứu, thu thập tài liệu để viết về Bác đặc biệt là hành trình "Theo dấu chân Người" đến nhiều nước trên thế giới, Giáo sư cảm nhận thế nào về tình cảm của bạn bè thế giới đối với Bác Hồ?
Để nói về tình cảm của bạn bè thế giới với Bác tôi chỉ kể một câu chuyện thế này. Khi sang Mỹ, Bác làm thợ nướng bánh mì trong một khách sạn lớn ở Boston. Hơn 100 năm đã qua, nhưng khách sạn đó vẫn lưu giữ những hình ảnh về Người. Chiếc bàn đá mà Bác nhồi bột làm bánh dù đã mẻ một góc vẫn được gìn giữ một cách trân trọng. Điều đó cho thấy họ luôn kính trọng và tự hào vì Bác đã từng có mặt ở nơi đây.
Giáo sư Trình Quang Phú nhận giải Nhất lĩnh vực Văn học cho cuốn sách "Theo dân chân Người"
Giáo sư có thể chia sẻ thêm về những kỷ niệm sâu sắc của Bác với TP Hồ Chí Minh, nơi bắt đầu cuộc hành trình lịch sử ấy?
Mùa xuân năm 1911, trước khi lên tàu Đô đốc Latouche-Tréville tại bến cảng Sài Gòn, Bác đã có một mùa xuân trọn vẹn nhất cuộc đời ở thành phố này. Đó là mùa xuân hiếm hoi khi Người có đầy đủ: cha - cụ Nguyễn Sinh Sắc và những người bạn thân thiết.
Họ đón Tết cùng nhau: gói bánh tét, làm rim gừng, dưa món, đi chợ hoa bên sông, mua mai vàng về nhà. Giữa chốn phồn hoa đô hội, Bác Hồ lúc ấy mang tên Nguyễn Văn Ba, sống những ngày xuân ấm áp, đầy ắp tình thân, tình yêu và kỷ niệm. Đó không chỉ là cái Tết đoàn viên, mà còn là mùa xuân của tuổi trẻ, của trái tim đang yêu, của một người sắp bước vào hành trình hiểm nguy nhưng tràn đầy hy vọng.
Chính vì hạnh phúc ngắn ngủi ấy, mà quyết tâm ra đi của Bác càng thêm mạnh mẽ. Người hiểu rằng: để có một mùa xuân trọn vẹn cho cả dân tộc, thì mùa xuân riêng của mình cần phải hy sinh.
Giáo sư Trình Quang Phú trước khung cửa khách sạn nơi Bác Hồ đã từng ở tại Vkadivostok năm 1921
Tình cảm của người dân TP Hồ Chí Minh với Bác Hồ được thể hiện như thế nào, thưa Giáo sư?
Tình cảm của người dân TP Hồ Chí Minh với Bác không chỉ là lòng kính yêu, mà còn là sự biết ơn sâu sắc, là lời hứa sống theo lý tưởng cao đẹp của Người. Điều đó thể hiện rất rõ qua mong muốn được lấy tên Bác đặt cho thành phố. Ngày 2/7/1976, sau khi đất nước thống nhất, thể theo nguyện vọng đó, Quốc hội khóa VI quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành TP Hồ Chí Minh. Hàng năm, vào các dịp như 19/5 (ngày sinh của Bác) hay 5/6 (ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước), hàng loạt hoạt động văn hóa - nghệ thuật - giáo dục - truyền thông được tổ chức, như một cách người dân TP Hồ Chí Minh gìn giữ tình cảm và lan tỏa lý tưởng của Người.
Việc TP Hồ Chí Minh được vinh dự mang tên Bác có ý nghĩa ra sao trong hành trình phát triển hôm nay?
Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh là nơi "đi trước về sau". Thành phố này là nơi bắt đầu và kết thúc các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Việc mang tên Bác không chỉ là sự ghi nhận công lao vĩ đại của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn thể hiện khát vọng tiếp bước lý tưởng Hồ Chí Minh, sống vì nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cái tên ấy trở thành nguồn cảm hứng cho mỗi người dân thành phố phấn đấu xây dựng một đô thị hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng là đầu tàu phát triển của cả nước.
Giáo sư Trình Quang Phú tham quan Di tích Bác Hồ tại Quảng Châu
Theo Giáo sư, làm sao để thế hệ trẻ tiếp cận, học tập tư tưởng của Bác một cách gần gũi và truyền cảm hứng?
Hãy kể về Bác như một người trẻ từng khát khao, dấn thân, tự học và sống vì lý tưởng. Qua đó, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và lòng yêu nước nơi thế hệ trẻ, để họ không chỉ học về Bác, mà sống theo tinh thần của Bác trong thời đại mới. Chương trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang triển khai cũng khá hay nhưng cần được làm một cách sinh động, thiết thực hơn. Cần có thêm hệ thống sách về Bác Hồ, viết ngắn gọn, chắt lọc những gì tinh túy nhất về Bác để chuyển tải đến với giới trẻ.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!