Áp thuế nước giải khát có đường vì sức khỏe của người tiêu dùng

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 09/05/2025 11:32 GMT+7

Ủy viên UBTVQH Phan Văn Mãi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế TTĐB

bangdatally.xyz - Dự thảo Luật Thuế TTĐB bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, định hướng tiêu dùng lành mạnh.

Nước giải khát có đường làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì

Sáng 9/5, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Vì mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp. UBTVQH thống nhất với đề xuất của Cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.

Theo báo cáo giải trình, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội nhất trí với việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB. Một số đề nghị cân nhắc, chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường hoặc có lộ trình áp dụng để tránh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có thời gian để doanh nghiệp chuyển đổi sang mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường thấp.

Về nội dung này, UBTVQH cho biết: Việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế. Đề xuất áp thuế đối với nước giải khát có đường là đề xuất bước đầu trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống.

Theo Bộ Y tế, nước giải khát - loại đồ uống có đường phổ biến nhất - là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn do đường dạng lỏng trong nước giải khát có đường gây hại nhiều hơn do được dung nạp nhanh hơn so với đường ở dạng rắn như đường trong bánh, kẹo, socola,… Đồng thời, nước giải khát có đường cung cấp lượng calo rỗng (chứa lượng calo cao nhưng không có giá trị dinh dưỡng), kích thích và gia tăng cảm giác đói, giảm cảm giác no, làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể, gây tăng tích tụ mỡ ở cơ thể và gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì. Do đó, để góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, mở rộng cơ sở thuế, việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB là cần thiết.

Một số ý kiến cho rằng, việc chỉ bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường nên nếu chỉ thu thuế đối với sản phẩm này thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo,...). Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu và xác định đúng, đủ các sản phẩm đồ uống có đường (nước ngọt có ga hoặc không có ga, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực, sản phẩm dạng bột nhập khẩu để pha chế nước giải khát,…) phải áp thuế TTĐB. Ý kiến khác đề nghị nên đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường và có ga được chế biến sẵn. Có ý kiến đặt vấn đề đánh thuế TTĐB đối với đường.

UBTVQH cho rằng, việc dự thảo Luật chỉ bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện, đầy đủ các sản phẩm có chứa hàm lượng đường có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đề xuất bổ sung các sản phẩm khác vào diện chịu thuế là cần thiết.

Tuy nhiên, việc bổ sung các hàng hóa vào diện chịu thuế cần được cân nhắc, đánh giá thận trọng, có lộ trình để bảo đảm không ảnh hưởng quá lớn tới quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, tiêu chí để xác định đối tượng chịu thuế là các sản phẩm nước giải khát được liệt kê theo quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam và có hàm lượng đường theo quy định trên 5g/100 ml.

Do đó, mặc dù đối tượng chịu thuế theo quy định của Luật chỉ là mặt hàng nước giải khát song phạm vi các sản phẩm thuộc diện chịu thuế trên thực tế là khá rộng . Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như quy định của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đánh giá kỹ tác động của việc bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế TTĐB để đề xuất bổ sung vào thời điểm thích hợp nhằm bảo đảm bao quát toàn diện các đối tượng chịu thuế.

Cân nhắc kỹ lưỡng tác động của việc áp thuế nước giải khát có đường

Liên quan nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (tỉnh Bến Tre) đồng tình với việc bổ sung các loại nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Quy định này nhằm hạn chế tiêu thụ đường quá cao và định hướng tiêu dùng cho người dân.

Đại biểu cho biết, thói quen tiêu dùng của thế hệ trẻ rất đáng báo động, đặc biệt là tiêu thụ nước giải khát có đường, thức ăn nhanh, cộng với thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh, ít vận động, sử dụng điện thoại liên tục... đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe các con. Tình trạng sẽ càng trầm trọng hơn trong thời gian dài, tác động tiêu cực tới thế hệ trẻ.

"Đây là hồi chuông báo động cần có sự vào cuộc của nhà nước để điều chỉnh hành vi tiêu dùng của người dân. Tôi nghĩ chưa phải là "chiếc đũa thần" để ngay tức khắc thay đổi thói quen", bà Yến Nhi chia sẻ.

Áp thuế nước giải khát có đường vì sức khỏe của người tiêu dùng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre)

Đại biểu cũng cho rằng, ngành y tế cần có những cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa về tác hại của việc lạm dụng các mặt hàng có đường. Đồng thời có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp mới có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Bà Yến Nhi kiến nghị cần đưa mặt hàng nước dừa đóng hộp ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB.

Đại biểu Mai Văn Hải (tỉnh Thanh Hóa) thì nêu ý kiến, việc áp thuế nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành sản xuất nước giải khát trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu gánh nặng tăng thêm chi phí, khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu sẽ khó khăn, giá thành sản phẩm tăng khiến tiêu dùng giảm, ảnh hưởng đến doanh thu và việc làm của người lao động, và người nông dân, bởi nước ngọt giải khát sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như mía đường, trái cây, cà phê.

Đại biểu Hải cho biết, nguyên nhân dẫn đến béo phì, tiểu đường và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn, do ý thức, việc lạm dụng sử dụng các chất có đường như bánh kẹo, sữa có đường và nhiều đồ ngọt khác. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng tác động, ảnh hưởng của việc áp thuế để có biện pháp và lộ trình thực hiện phù hợp.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, nhiều loại nước khác như: trà sữa, quán nước ngoài đường, đồ ăn nhanh… cũng có thể là những sản phẩm gây nên bệnh béo phì.

"Nếu đã thu thì các sản phẩm khác có đường cũng phải thu như: bánh, kẹo là các sản phẩm thậm chí còn ngọt hơn nước giải khát mà lại không thu. Do đó cần xem xét, tính toán hợp lý", ông Hòa cho biết và đề xuất đưa mặt hàng trà sữa phải chịu thuế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước