Nghiên cứu cho thấy AI đang giúp người lao động tiết kiệm 1 tiếng/tuần, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập
Một nghiên cứu mới phân tích thị trường lao động Đan Mạch đưa ra một góc nhìn thực tế, thú vị về tác động của các mô hình AI sinh chữ lên thị trường lao động. Dù được triển khai nhanh chóng và rộng rãi trong nhiều ngành nghề, AI hiện vẫn chưa tạo ra thay đổi đáng kể về thu nhập hay giờ làm việc.
Nghiên cứu chỉ ra lợi ích và bất cập
Công trình do hai nhà kinh tế học từ Đại học Chicago và Đại học Copenhagen thực hiện đã phân tích dữ liệu từ 25.000 người lao động và 7.000 nơi làm việc trong giai đoạn 2023-2024. Kết quả cho thấy, mức độ áp dụng chatbot AI trong các ngành như kế toán, phát triển phần mềm hay chăm sóc khách hàng là rất cao, thậm chí được doanh nghiệp khuyến khích.
Tuy nhiên, về mặt kinh tế, AI hầu như không tạo ra khác biệt rõ rệt: thu nhập và số giờ làm việc không thay đổi một cách có ý nghĩa thống kê, với mức dao động không vượt quá 1%.
“Việc áp dụng chatbot đang diễn ra cực kỳ nhanh chóng”, nhà kinh tế học Anders Humlum, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với trang The Register. “Phần lớn người lao động trong các ngành nghề dễ bị ảnh hưởng hiện nay đều đã sử dụng các chatbot này… Nhưng khi chúng tôi xem xét kết quả kinh tế, thì gần như không có sự thay đổi nào rõ rệt”.
Khảo sát cho thấy AI đang tiết kiệm thời gian làm việc, tuy nhiên chưa đáng kể - Ảnh minh họa bởi AI.
Mặc dù các doanh nghiệp thúc đẩy việc áp dụng các công cụ AI trong sản xuất đã giúp tiết kiệm thời gian cho 64% đến 90% người dùng trong các ngành nghề được khảo sát, những lợi ích thực tế lại không lớn như kỳ vọng. Thay vì giúp giảm tải công việc, chatbot AI lại tạo ra thêm các nhiệm vụ mới cho một phần người lao động-ngay cả với những người không trực tiếp dùng công cụ. Thực tế, 8,4% người lao động đang đối mặt với những nhiệm vụ công việc mới.
Đơn cử như với ngành giáo dục. Giáo viên đang phải phát hiện học sinh có gian lận nhờ AI; nhân viên văn phòng thì dành thời gian điều chỉnh kết quả đầu ra hoặc cải thiện các prompt đầu vào.
Người dùng báo cáo mức tiết kiệm thời gian trung bình chỉ khoảng 2,8% tổng số giờ làm việc, tương đương khoảng một giờ mỗi tuần.
So sánh với một nghiên cứu khác được công bố trước đó, từng cho rằng AI giúp tăng năng suất 15%, nhóm tác giả cho rằng sự chênh lệch bắt nguồn từ sự khác biệt giữa môi trường thử nghiệm và thực tế. Các thử nghiệm thường chọn những tác vụ mà AI có thể xử lý hiệu quả, trong khi công việc thực tế lại phức tạp hơn, đa dạng hơn và đòi hỏi sự phối hợp linh hoạt hơn từ con người.
Phải nói thêm, số dữ liệu hiện tại chưa phản ánh đầy đủ những tác động lâu dài của AI lên thị trường lao động, và bản thân môi trường làm việc tại Đan Mạch cũng không thể đại diện cho bức tranh toàn cảnh, vốn phức tạp bởi sự đa dạng ngành nghề, yếu tố văn hóa làm việc và mức độ số hóa của các nền kinh tế. Tuy nhiên, nghiên cứu mang tên “Mô hình ngôn ngữ lớn, tác động nhỏ đến thị trường lao động” vẫn nhắc nhở chúng ta rằng, những kỳ vọng của chúng ta về AI và thị trường lao động cần thêm những điều chỉnh.
Xu hướng tất yếu trong thời đại AI
Nghiên cứu quy mô nhỏ cũng nêu ra một xu hướng toàn cầu, đó là ứng dụng AI trong công việc. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đã bước đầu có ích, khi đã giúp người lao động tiết kiệm được thời gian. Tuy hiệu suất vẫn chưa cao nhưng khi AI ngày một tiến bộ và người lao động ngày một thành thạo hơn, mức hiệu suất sẽ tiếp tục tăng.
Nhưng thực tế mà nói, không phải quốc gia nào cũng có thể nhanh chóng ứng dụng AI trong công việc như Đan Mạch.
Tháng 3 vừa qua, tọa đàm chuyên đề "Đánh giá toàn cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) trong khu vực công tại Việt Nam" đã được tổ chức bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS). Sự kiện là dịp để nhìn lại những kết quả bước đầu của việc ứng dụng AI trong khu vực công, đồng thời mở ra góc nhìn tích cực về tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
Tại tọa đàm, IPS đã giới thiệu báo cáo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan Nhà nước ở Việt Nam: Đánh giá mức độ sẵn sàng và khuyến nghị", một nghiên cứu toàn diện được thực hiện dựa trên hơn 30 cuộc phỏng vấn với đại diện các cơ quan trung ương, địa phương, chuyên gia AI và doanh nghiệp, kết hợp với các tài liệu nghiên cứu chính thức. Báo cáo đã phác thảo rõ nét hiện trạng, chiến lược định hướng cũng như tiềm năng phát triển của AI trong khu vực công tại Việt Nam.
Một điểm sáng đáng chú ý là nhiều cơ quan nhà nước đã chủ động tiếp cận công nghệ AI, từng bước triển khai các giải pháp số hóa nhằm nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân. Báo cáo cho thấy, dù còn đối mặt với một số thách thức về hạ tầng, cơ chế tài chính và khung pháp lý, các ứng dụng AI bước đầu đã chứng minh được tính khả thi và giá trị thực tiễn.
Ông Nguyễn Đức Lam, đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết trong vòng hai năm qua, đã có nhiều ví dụ điển hình về sự đổi mới sáng tạo trong khu vực công nhờ vào AI. Trong đó, có thể kể đến các sáng kiến tại Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ Thông tin và Truyền thông (trước đây), cũng như tại các địa phương như Tây Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế.
Đặc biệt, hệ thống trợ lý ảo dành cho thẩm phán là minh chứng rõ ràng cho giá trị mà AI mang lại. Được phát triển từ năm 2022, trước cả khi ChatGPT trở nên phổ biến, trợ lý ảo này đã ứng dụng các mô hình AI truyền thống để hỗ trợ thẩm phán trong việc tìm kiếm bản án, tổng hợp tài liệu và xử lý thông tin pháp lý. Đến nay, công cụ đã được triển khai trên toàn hệ thống tòa án các cấp, góp phần giảm tới 30% khối lượng công việc cho thẩm phán.
Nhìn chung, bức tranh AI trong khu vực công tại Việt Nam đang định hình theo chiều hướng tích cực. Những thành công bước đầu không chỉ tạo đà cho các sáng kiến tiếp theo mà còn minh chứng rằng khi có định hướng chiến lược đúng đắn và sự đồng hành của các bên liên quan, công nghệ AI hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong quản lý nhà nước.
Với quyết tâm đổi mới, cùng sự hỗ trợ ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế và khu vực tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội vươn lên trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng dụng AI một cách thực chất và hiệu quả vào khu vực công. Những gì chúng ta đang chứng kiến hôm nay có thể chỉ là khởi đầu cho một hành trình số hóa đầy triển vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!