Văn hoá Giỗ Tổ Hùng Vương: Sức hút du lịch hướng về cội nguồn

Kate Trần - Duy Trung-Thứ bảy, ngày 10/05/2025 05:56 GMT+7

bangdatally.xyz - Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày lễ truyền thống, mà còn là dịp để hàng triệu trái tim Việt Nam cùng hướng về Đất Tổ linh thiêng, tri ân công đức tổ tiên...

"Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba"

Câu ca dao ngân vang như lời nhắc nhở thiêng liêng đã thấm sâu vào tâm khảm mỗi người con đất Việt. Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày lễ truyền thống, mà còn là dịp để hàng triệu trái tim Việt Nam cùng hướng về Đất Tổ linh thiêng, tri ân công đức tổ tiên và gìn giữ ngọn lửa văn hóa được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử.

Về đất Tổ: Kết nối mạch nguồn

Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày lễ linh thiêng mà còn là cơ hội để mỗi người dân Việt Nam được trở về với cội nguồn, hun đúc lòng tự hào dân tộc, và cùng nhau gìn giữ ngọn lửa văn hóa cha ông để lại. Đó cũng chính là chất liệu quý báu để phát triển du lịch Việt Nam mang đậm hồn dân tộc, vững vàng trên hành trình hội nhập.

Từ năm 2007, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc lễ, khẳng định vị thế đặc biệt trong đời sống văn hóa - tâm linh của người dân Việt Nam. 

Đây là dịp để giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn", khơi dậy lòng tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương: Ngày hội lớn của dân tộc

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương bao gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội, tạo nên một bức tranh văn hóa đặc sắc và sống động.

Văn hoá Giỗ Tổ Hùng Vương: Sức hút du lịch hướng về cội nguồn - Ảnh 3.

Con Lạc cháu Hồng về với cội nguồn.

Phần Lễ được tổ chức long trọng với nghi thức dâng hương, rước kiệu, lễ tế theo đúng truyền thống. Các đoàn đại biểu trung ương, lãnh đạo địa phương cùng hàng vạn người dân từ mọi miền đất nước đều thành kính dâng lễ tại Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng - những công trình gắn với truyền thuyết thời Hùng Vương. Không gian nơi đây luôn giữ được sự trang nghiêm, thành kính nhưng không kém phần ấm cúng, gần gũi.

Phần Hội là một sân chơi văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những làn hát xoan - di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận - vang lên trầm bổng trong các đình làng quanh vùng Đất Tổ. Các trò chơi dân gian như: thi gói bánh chưng, bánh giầy; biểu diễn múa lân - sư - rồng, trình diễn nghệ thuật truyền thống…tạo nên bầu không khí lễ hội vừa thiêng liêng, vừa rộn ràng.

Giữa dòng chảy hội nhập, Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành biểu tượng của bản lĩnh văn hóa, tinh thần kiên cường của dân tộc. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trong khi đất nước không ngừng phát triển về kinh tế, chính trị, giá trị của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó là điểm tựa tinh thần vững chắc cho mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, để họ nhận thức sâu sắc hơn về cội nguồn và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Những giá trị thiêng liêng này trở thành điểm tựa tinh thần, nguồn năng lượng nội sinh để mỗi người dân Việt, dù ở trong nước hay kiều bào nơi xa xứ, đều thấy mình không đơn độc, không lạc lõng giữa thế giới rộng lớn.

Du lịch hướng về cội nguồn: Sức hút ngày càng lớn

Văn hoá Giỗ Tổ Hùng Vương: Sức hút du lịch hướng về cội nguồn - Ảnh 4.

Đền Hùng đón hàng nghìn lượt khách về trẩy hội mỗi ngày

Du khách đến đây không chỉ để dâng hương tưởng niệm mà còn có dịp khám phá quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, trải dài từ chân núi Nghĩa Lĩnh đến đỉnh thiêng Đền Thượng. Các công trình như: Lăng Vua Hùng, Đền Hạ, Đền Trung, Đền Giếng… được tôn tạo và gìn giữ cẩn trọng, vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghi, đưa người xem như trở về với thuở bình minh của dân tộc.

Văn hoá Giỗ Tổ Hùng Vương: Sức hút du lịch hướng về cội nguồn - Ảnh 5.

Hàng vạn người dân cả nước về dâng hương tại Đền Hùng

Theo báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, trong 10 ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 (từ ngày 29/3 đến 7/4, tức từ mùng 1 đến 10 tháng Ba Âm lịch), địa phương đã đón khoảng 5,5 triệu lượt người hành hương, tham quan, thực hành tín ngưỡng và trải nghiệm văn hóa tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng cùng các điểm du lịch trên địa bàn.

Bảo tồn, phát huy và lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Văn hoá Giỗ Tổ Hùng Vương: Sức hút du lịch hướng về cội nguồn - Ảnh 6.

Hát Xoan là di sản văn hóa phi vật thể

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết, ngành du lịch Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cơ sở hạ tầng được đầu tư, xây dựng các tour, tuyến du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, chất lượng phục vụ. Đồng thời đẩy mạnh triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh, tạo thêm nhiều tuyến du lịch liên tỉnh hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch về với Đất Tổ. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, duy trì và phát triển… để lan tỏa giá trị văn hóa ra khỏi phạm vi tỉnh, để cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài đều có thể đồng hành, tham dự, cùng hướng về đất Tổ.

Văn hoá Giỗ Tổ Hùng Vương: Sức hút du lịch hướng về cội nguồn - Ảnh 7.

Rước kiệu về Đền Hùng

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012, khẳng định giá trị trường tồn và tầm vóc quốc tế của nét văn hóa độc đáo này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước