Tùng Dương: "Hậu sao Mai" là cả một câu chuyện dài...

Thiên An (Lao Động)-Thứ hai, ngày 02/11/2009 10:39 GMT+7

Phát hiện được coi là đáng giá nhất của Sao Mai điểm hẹn (tính đến nay) ca sĩ Tùng Dương nói về Sao Mai (SM), Sao Mai điểm hẹn (SMĐH), hậu SM..., nhân sự trở lại của cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc SM - mùa thứ bảy.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Tùng Dương "bắt sáng" tại SMĐH 2004 (giải bình chọn của Hội đồng nghệ thuật). 5 năm ấy với Dương đã đủ để coi là một chặng đường?

- 5 năm ấy với tôi có lẽ là dài hơn những người khác, bởi tôi nghĩ mình đã đi những bước chậm và chắc. Ra album ồ ạt và làm live show lấy được là điều tôi không muốn. Bởi trước khi quyết định đưa một sản phẩm ra thị trường, câu hỏi luôn làm khó tôi bao giờ cũng là: Mọi sự chuẩn bị liệu đã chín?

Thế nên, trong 5 năm qua, nếu không kể những album thu chung, tôi cũng mới chỉ ra 2 album riêng, đó là: "Chạy trốn" và "Những ô màu khối lập phương", thuộc về hai phong cách nhạc khác nhau: Một dân gian đương đại, một new age. Còn live show thì vẫn chưa, vì tôi nghĩ, 5 năm, chỉ là để dừng lại "ngắm mình"...

Có ý kiến cho rằng SM, SMĐH càng về sau, càng nhạt, anh có thấy thế?

- Tôi vẫn luôn dõi theo SM, SMĐH, bởi với tôi, SMĐH không chỉ là một kỷ niệm, mà còn là một "ân nhân" khi nhờ nó, tôi và những giọng ca trẻ được có dịp thể hiện mình trước hàng triệu khán giả truyền hình. Cố nhiên, sau cuộc thi, có những ngôi sao đi tiếp được, có những ngôi sao lặn mất, bởi "hậu SM" là cả một câu chuyện dài, đòi hỏi nhà đài cần tiếp tục trợ lực cũng như nỗ lực tự thân của mỗi người.

Có thể nói, nếu như không có những SM, SMĐH, thì những ca sĩ trẻ như Dương sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đến gần khán giả, nhất khi bạn lại còn đứng trong một giọng nhạc kén khán giả. Bởi nếu như ngày xưa, các ca sĩ chỉ cần thực tài là có thể đi lên, thì ngày nay, thực tài không thôi chưa đủ, còn cần cả một công nghệ lăngxê và trong đó, nhà đài nắm trong tay công cụ.

"Vẫn chưa tìm thấy một giọng hát thật sự đặc sắc và cá tính cỡ như Tùng Dương" - là lời phàn nàn về những mùa SM, SMĐH về sau; cũng như chính sự thừa nhận của bà Huyền Thanh - Phó BTC cuộc thi. Anh thấy sao?

- Cá tính là thứ trời cho, càng không dành cho những người ưa lựa chọn an toàn. Một tài năng chỉ có thể đạt đến độ chín khi luôn dám lao vào thử thách. Khi ngày càng có nhiều cuộc thi "đụng hàng", mà nhân tài thì luôn như "lá mùa thu", thì chuyện có những mùa SM, SMĐH bội thu, cũng có những mùa quả nhạt, thì đó cũng là chuyện bình thường. Bởi vậy, tôi nghĩ, chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào một cuộc thi, cũng như không nên quá nôn nóng...

Cái mà một ca sĩ trẻ nhận được từ bệ phóng SM, SMĐH thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng còn những cái ... không nhận được, theo anh? Anh có thấy, "hậu SM, SMĐH" (trừ những trường hợp mất hút), thì thường là: Hoặc là nguồn cung ứng nhân lực cho Bài hát Việt, hoặc là làm khách mời, sắm "vai phụ" cho những live show/album của các ca sĩ, nhạc sĩ đàn anh, đàn chị, với mức cátxê có phần khiêm tốn hơn? Kể cả anh - phát hiện được coi là đáng giá nhất?

- Đúng là cũng có lúc tôi đã chạnh buồn vì biết rằng mức cátxê mà mình nhận được thấp hơn. Nhưng chỉ buồn, khi đó là so với những ca sĩ tự phong, những ngôi sao bong bóng, được thổi phồng bằng công nghệ lăngxê rẻ tiền; là thật - giả lẫn lộn... Cũng đã có lúc, phần nào vì thế mà mình đâm cảm thấy chán nản, bế tắc, nguội lạnh...

Nhưng rồi, tôi lại nghĩ: Hôm nay, họ có thể hơn mình về cátxê, hơn xe đẹp, nhà đẹp..., nhưng quan trọng, là cách nào để đi được đường dài, là "định cư" được trong lòng khán giả, là thoả mãn được khát vọng làm nghề luôn chất chứa trong mình... Và tôi coi đó là sự hy sinh vì nghệ thuật.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước