Ngày 13/5 vừa qua, thông tin G-Dragon sẽ biểu diễn tại Việt Nam đã lập tức gây sốt cộng đồng mạng ngay khi xuất hiện. Cả mạng xã hội đã trở thành "một rừng hoa cúc" - loại hoa là biểu tượng đặc trưng của G-Dragon. Các thương hiệu từ trà sữa, mỳ cay, thương hiệu vận chuyển... cũng không bỏ lỡ cơ hội này.
Trào lưu đi xem concert tại Việt Nam
Mỗi thế hệ lại có một đặc trưng trong cách thể hiện tình cảm với thần tượng của mình. Các thế hệ đi trước thường sưu tầm sách, câu nói nổi tiếng. Đến thế hệ 7X, 8X lại thích sưu tầm đĩa nhạc CD, ảnh chụp người nổi tiếng. Còn hiện nay, người trẻ lại đang có cơ hội được mắt thấy tai nghe thần tượng của mình biểu diễn trong các show âm nhạc.
Trong những năm gần đây, xu hướng tham gia các buổi concert của nghệ sĩ trong và ngoài nước đang trở thành hiện tượng phổ biến trong giới trẻ. Sự xuất hiện của những buổi hòa nhạc quy mô lớn, với đầu tư kỹ thuật âm thanh, ánh sáng chuyên nghiệp, đã thu hút sự chú ý của không ít người hâm mộ trẻ. Không chỉ đơn thuần là nơi thưởng thức âm nhạc, các concert còn trở thành không gian để giới trẻ kết nối, trải nghiệm và tạo dựng nét văn hóa mà nhiều người vẫn gọi vui là "đu" concert.
70.000 khán giả trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc đình đám BlackPink. 15.000 khán giả trong đêm diễn của nhóm nhạc quốc tế Westlife tại Hà Nội hay hàng chục nghìn khán giả hòa mình với sự xuất hiện của ban nhạc Imagine Dragons... Giờ đây chẳng cần phải "đặt vé", "lên đồ" đi đâu, chỉ cần ở Việt Nam, khán giả Việt cũng có thể thưởng thức những concert đẳng cấp của nhóm nhạc quốc tế mà không phải ra nước ngoài.
Concert BlackPink tại Hà Nội vào tháng 7/2023. (Ảnh: Đinh Hương)
Thông tin G-Dragon sẽ tới Việt Nam chỉ trong vài giờ đã có hàng chục nghìn bài đăng, bình luận và video thể hiện sự háo hức tột độ của người hâm mộ.
Chị Trần Minh Anh, Hà Nội bày tỏ: "Có tin G-Dragon về Việt Nam thì newsfeed facebook của mình tràn ngập hình ảnh lightstick hoa cúc và thông tin anh sẽ tới Việt Nam. Xung quanh ai cũng háo hức mong chờ đến ngày đấy."
Anh Vũ Đức Tiến Anh, Hà Nội cho biết: "Mình đã share ngay cho bạn gái mình vì bạn gái mình cũng là fan lớn của G-Dragon nên bọn mình đã lên kế hoạch để săn vé rồi. Tiền không quan trọng vì mình thích."
Nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch săn vé G-Dragon.
Chuyện vé concert của nghệ sĩ Việt "cháy sạch" chỉ sau vài phút, website bán vé liên tục quá tải, từng là điều khó tưởng với các nhà tổ chức sự kiện âm nhạc trong nước. Thế nhưng, điều đó giờ đây đang dần trở thành hiện thực.
Gần đây, concert Day 3 của "Anh trai vượt ngàn chông gai" không chỉ thu hút hàng nghìn khán giả mà còn tạo nên khoảnh khắc lịch sử khi mọi người đồng loạt khoác lên mình trang phục truyền thống, góp phần giúp sự kiện xác lập kỷ lục Guinness thế giới.
NSND Tự Long chia sẻ: "Tôi không nghĩ là ở độ tuổi 52 của tôi mà có tới 4 fanclub. Tôi yêu các bạn ấy lắm, và cảm ơn các bạn nhiều vì đã truyền lại động lực cho tôi."
Ca sĩ Soobin Hoàng Sơn bày tỏ: "Đó là nguồn năng lượng tích cực và tạo động lực cho bản thân mình có được những sự tự tin đi bất cứ đâu hay khi ra sản phẩm âm nhạc."
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: "Một chương trình với vé rất cao, số lượng rất đông mà đều cháy vé. Những nhà đầu tư thấy thị trường đó sẽ tự cạnh tranh với nhau sẽ tạo ra chương trình chất lượng tốt hơn, đặt ra yêu cầu vô cùng quan trọng từ công ty tổ chức sẽ phải chuyên nghiệp hơn để nâng cao chất lượng…".
Cảnh giác chiêu trò lừa đảo dịp concert
Các hội nhóm, fanpage lớn của G-Dragon tại Việt Nam đã lên bài kêu gọi người hâm mộ bình tĩnh, sáng suốt trước những bài đăng kêu gọi gom hàng, đặt hàng lightstick với giá "trên trời". Thậm chí có những nhóm còn công khai cả danh sách những các Scammer - các cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi lừa đảo liên quan đến các đêm đại nhạc hội.
Một danh sách những đối tượng được cho là đã lừa đảo trong các vụ mua bán ở các sự kiện âm nhạc gần đây, trải dài với số thứ tự lên tới 455, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Có các thông tin về cách thức lừa đảo, đường dẫn tới các trang cá nhân của những đối tượng và cả số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng đã sử dụng để trục lợi.
Danh sách này được "đóng góp" từ chính những nạn nhân của các vụ lừa đảo ấy.
Từ cơn sốt mua vé tại một số chương trình âm nhạc gần đây tại Việt Nam, nhiều người buộc phải chấp nhận mua lại từ các đối tượng săn vé, buôn vé, sẵn sàng bất chấp nhiều rủi ro để mong không bỏ lỡ sự kiện.
Từ việc thuê người săn vé hộ đến mua lại vé rẻ của những người đã sở hữu thì lại cũng có nguy cơ bị lừa. "Em và bạn em tổng bị lừa 2,4 triệu đồng. Nó hạ giá thấp để đánh vào tâm lý ham rẻ của người mua. Nó chấp nhận giao dịch trực tiếp với mình và gửi các hình ảnh chứng minh là nó đang ở đó nhưng khi đến thì nó chặn mọi liên lạc".
Mới đây, khi xuất hiện thông tin G-dragon sẽ tới Việt Nam biểu diễn trong một nhạc hội vào tháng 6, dù còn hơn 1 tháng nữa sự kiện mới diễn ra, tuy nhiên đã xuất hiện nạn nhân của các vụ lừa đảo, lần này là lightstick.
Cơ hội và thách thức của Việt Nam để trở thành điểm đến các concert lớn
Việc người hâm mộ phải tự tìm cách mua lightstick qua các nguồn không chính thống cho thấy: còn nhiều việc cần làm để chuẩn hóa cách tổ chức và phân phối sản phẩm đi kèm concert tại Việt Nam. Nếu muốn hướng tới khán giả quốc tế, nắm bắt xu hướng phát triển du lịch âm nhạc, thì mọi chi tiết đều phải chỉn chu, từ không gian sân khấu đến chiếc lightstick trên tay người xem. Đó cũng chính là thách thức và cơ hội - để Việt Nam vươn lên thành điểm đến của các concert lớn.
Để một đêm diễn, một concert của một nghệ sĩ quốc tế được diễn ra, phía các đơn vị tổ chức cần phải bảo đảm về các tiêu chuẩn kĩ thuật khắt khe, đạt chuẩn quốc tế hay lượng khán giả tham gia các đêm diễn.
Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành một điểm đến của các đêm nhạc, các concert lớn, tuy nhiên, trở ngại lớn nhất chính là cơ sở hạ tầng.
Concert của Taylor Swift vào năm 2024 tại Singapore. (Ảnh: TAS24/Getty)
Một đêm concert không chỉ đem lại giá trị cho cộng đồng người hâm mộ mà còn đem lại nhiều giá trị cho địa điểm được tổ chức. Show diễn của Taylor Swift được tổ chức độc quyền khu vực Đông Nam Á vào năm 2024 tại Singapore mang lại nguồn lợi hàng trăm triệu USD sau 7 đêm diễn.
Hay trong tháng 5 này, Singapore lại tiếp tục đưa 4 đêm diễn của Lady Gaga về sân vận động quốc gia của mình, thu hút sự quan tâm lớn của những người hâm mộ khi đây cũng là điểm dừng chân duy nhất tại châu Á của nữ nghệ sĩ.
Và những cơ hội này không đến với Singapore một cách ngẫu nhiên. Ông Edwin Tong - Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Cộng đồng và Thanh thiếu niên Singapore cho biết: "Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất không đến từ những khoản đầu tư tài trợ hay những con số thương mại, mà chính yếu là do chất lượng và cơ sở hạ tầng chúng tôi mang lại. Chúng ta không chỉ vận hành một cách bị động như một đơn vị cung cấp địa điểm - những nhà tổ chức đến đây thuê địa điểm và chúng ta nhận lại chi phí, mà thay vào đó chúng ta tham gia rất sâu với đội ngũ của họ từng bước một, từ phân phối, bán vé đến quảng bá, cho đến việc hỗ trợ vận chuyển, hay cả những chi tiết nhỏ nhất đằng sau mỗi màn trình diễn, mỗi đêm diễn".
Để trở thành một điểm đến của các đêm nhạc, các concert lớn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, tạo ra giá trị lớn, cần có sự chung tay của rất nhiều những yếu tố khác
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ: "Càng đi sâu vào, chúng tôi càng thấy đây là việc không thể làm đơn độc, mà cần một hệ thống rất lớn, một sự chung tay rất lớn từ cả một bộ máy, thể chế chính trị và cả những doanh nhân".
Đi cùng với những show diễn của các nghệ sĩ quốc tế sẽ là những lợi ích về kinh tế và du lịch. Dù đã có những tín hiệu khả quan, tuy nhiên sẽ vẫn còn nhiều thách thức để đưa Việt Nam trở thành địa điểm quen thuộc của các nghệ sĩ quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!