Nhạc nhẹ - Vui và buồn
Nhạc nhẹ được chọn mở màn đêm thi chung kết, chính vì thế, nó cuốn hút khán giả ngay từ tiết mục dự thi đầu tiên. Sôi động và ấn tượng là những gì mà người xem cảm nhận được ở cả 6 thí sinh qua các phần thi, họ đã cho thấy sức trẻ và tài năng của mình.
Có lẽ chưa năm nào, dòng nhạc nhẹ lại mạnh như thế, cho nên ngay cả Ban giám khảo cũng rất khó khăn để chọn ra 3 gương mặt nổi bật nhất đi tiếp vào vòng trong. Và vì thế, kết quả của dòng nhạc nhẹ lại gây khá nhiều “tranh cãi” trong dư luận sau cuộc thi.
Các thí sinh tham dự thi nhạc nhẹ gồm Hà Hoài Thu - Quảng Ninh, Hoàng Lệ Quyên - Thái Nguyên, Trần Quốc Bảo đến từ Bắc Giang, Uyên Linh của Hà Nội, Thu Phương thuộc đơn vị Thái Nguyên, và Tôn Thất Thái Sơn cũng của Hà Nội. Có thể nói cả 6 thí sinh đều trình bày tương đối thành công phần dự thi của mình. Trong đó, “sạch sẽ” nhất phải kể đến Hoài Thu, Uyên Linh, Thu Phương. Đây là 3 thí sinh hát “tròn trịa” và hầu như không mắc lỗi về kỹ thuật.
Quốc Bảo hát đầu tiên, khá bản lĩnh nhưng anh hát không rõ lời. Phần thi của anh dù có cảm xúc nhưng cũng chưa phải là xuất sắc nhất. Hoàng Lệ Quyên - giọng hát triển vọng và được coi là “phát hiện” của Sao Mai phía Bắc năm nay hát tương đối thành công, trừ một đoạn vào trượt nhịp. Nhưng với giọng hát alto khá hiếm và đầy xúc cảm, Lệ Quyên vẫn chinh phục được khán giả. Tôn Thất Thái Sơn hát khá “tình” và xử lý bài cũng rất tinh tế, nhưng có vẻ Sơn bị “tâm lý” nên hát chưa được thoải mái. Tuy nhiên, anh là người hát “ra chất” nhạc nhẹ nhất, giọng hát cũng khác biệt nhất so với các thí sinh còn lại nên vẫn để lại nhiều tình cảm cho khán giả.
Hà Hoài Thu khá bản lĩnh, thể hiện được cả vẻ đẹp hình thể lẫn giọng hát. Cô đang là ứng viên sáng giá cho top 3 thí sinh vào vòng chung kết xếp hạng ở bảng nhạc nhẹ năm nay. Thu Phương trình bày khá “sạch sẽ” Thành phố miền quan họ nhưng giọng hát của cô khá “mờ” và không nhiều “màu”, không có triển vọng phát triển. Uyên Linh được coi là “Hà Linh” thứ 2 với giọng hát ấn tượng và cá tính khá rõ nét, nhưng Đá trông chồng (Lê Minh Sơn) đã trở thành 3 “khuôn mẫu” khác biệt của Thanh Lam, Tùng Dương, Hà Linh nên các thí sinh khá khó khăn để tìm một lối đi riêng, khác với những người đi trước. Do vậy Uyên Linh dù hát khá “ổn” nhưng vẫn không được Ban giám khảo đánh giá cao.
Kết quả cuối cùng, Hoài Thu, Lệ Quyên, Quốc Bảo được đi tiếp và 3 người kia phải dừng lại. Rất đáng tiếc cho Tôn Thất Thái Sơn, đó là một giọng hát nhiều cảm xúc và tinh tế.
Dòng Dân gian - Thính phòng: Không nhiều bất ngờ
Xuân Hảo (Thái Bình), Minh Hải (Thái Nguyên), Tùng Lâm (Hà Nội) đã có phần dự thi tương đối hoàn hảo. Đây là 3 giọng hát được đánh giá cao so với các thí sinh thính phòng khác tại vòng loại Sao Mai phía Bắc năm nay. Cả 3 thí sinh này đã không hát thính phòng theo kiểu “cổ điển”, họ đã có nhiều sáng tạo trong việc dàn dựng để “thính phòng” mềm mại hơn, gần gũi hơn với người nghe. Chính vì những điều đó, họ đã thể hiện được cả kỹ thuật hát thính phòng nhưng vẫn rất dạt dào cảm xúc và tương đối dễ nghe.
Các thí sinh còn lại phải chia tay với Sao Mai là Hồng Nhung (Bắc Ninh), Văn Hải (Thái Nguyên) và Trần Văn Nghĩa (Hà Nội), trong đó đáng tiếc nhất là Hồng Nhung và Trần Văn Nghĩa - đây là 2 giọng hát được đánh giá khá cao và họ cũng có những phần trình bày tương đối hoàn hảo.
Việc Tùng Lâm đoạt giải khán giả bình chọn là điều bất ngờ nhất đêm thi chung kết. Dòng nhạc thính phòng thi cuối cùng và Tùng Lâm cũng không phải là giọng hát “sừng sỏ” của vòng loại, tuy nhiên, có thể gương mặt điển trai cùng lối hát giản dị, cảm xúc của anh đã được nhiều khán giả “chấm”, do đó họ không ngần ngại lấy điện thoại bình chọn cho Lâm để anh có thêm được 01 điểm quý giá cộng vào số điểm mà Ban giám khảo đã dành cho Lâm. Đó chính là lý do để anh vượt qua 2 ứng viên sáng giá Trần Văn Nghĩa và Hồng Nhung để có mặt trong vòng thi toàn quốc.
Ở dòng dân gian cũng không có bất ngờ khi 3 thí sinh nổi trội nhất đều được chọn vào vòng thi toàn quốc. Việt Hà (Hà Nội), Minh Chuyên (Hà Nam) và Nguyệt Anh (Bắc Giang) đã có những phần thi tương đối hoàn hảo. Họ thực sự nổi bật trong đêm diễn, không chỉ với dòng dân gian mà còn so với tất cả các thí sinh khác. Đây chính là những người có phong độ ổn định nhất từ vòng loại đến tận đêm chung kết, do đó, họ rất bình tĩnh và tự tin khi trình diễn trên sân khấu.
“Lấn cấn” chuyện phân dòng nhạc
Điều mà cả khán giả và những thí sinh trong đêm thi chung kết Sao Mai phía Bắc 2009 đều nhận thấy một cách khá rõ ràng, đó là sự khác nhau trong cách đánh giá cũng như quan điểm của 2 “Hội đồng”: Ban giảm khảo ở sân khấu và các khách mời nhận xét (NSND Trung Kiên, nhạc sỹ Ngọc Châu và ca sỹ Phương Thảo) ở trường quay S1 - VTV.
Có khá nhiều thí sinh được các nghệ sỹ khách mời nhận xét tốt thì Ban giám khảo lại không đánh giá cao và ngược lại. Đặc biệt là vấn đề “phân dòng” trong khi chọn bài của các thí sinh.
Ở nhóm thi dân gian, Minh Chuyên (hát ca khúc Son - Đức Nghĩa) và Việt Hà (Sông ơi đừng chảy - Nguyễn Vĩnh Tiến) là hai thí sinh được các nghệ sỹ khách mời cho rằng, họ đã không thể hiện được rõ “chất” dân gian, và Minh Chuyên thì “nhạc nhẹ” quá, còn Việt Hà lại hợp với thính phòng hơn là dân gian. Ngọc Ký (Huyền thoại hồ Núi Cốc - Phó Đức Phương) cũng là thí sinh được coi là không “ra chất” dân gian khi giọng hát của anh thiên về thính phòng. Những nhận xét này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, có thể nhiều người lại nghĩ khác.
Đúng là nếu hát dân gian, người ta thường nghĩ ngay đến NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa hay những Anh Thơ, Tân Nhàn, Thành Lê… đó là những người có giọng hát và cách hát “đậm đặc” màu sắc dân gian. Tuy nhiên, đối với rất nhiều khán giả trẻ bây giờ, người ta vẫn chấp nhận những Tùng Dương, Ngọc Khuê, Vương Dung…là những giọng hát dân gian, đó là những ca sỹ trẻ hát dân gian nhưng đã mang hơi thở của cuộc sống đương đại vào trong các ca khúc, cả cách hát cũng như việc phối khí. Do đó việc họ hát dân gian khá “hiện đại” cùng dàn nhạc điện tử được giới chuyên môn cũng như khán giả đánh giá cao và hình thành một “nhánh” mới của dòng nhạc dân gian mà người ta vẫn thường gọi nôm na là dân gian đương đại.
Đây là cách tiếp cận khá mới mẻ của dòng nhạc dân gian đối với khán giả trẻ hiện nay. Vì thế, ngay tại sân chơi Bài hát Việt, các ca khúc đoạt giải “Bài hát mang phong cách dân gian của năm” đều thuộc về những ca khúc thuộc dạng này như: Bà tôi, Giọt sương bay lên (Nguyễn Vĩnh Tiến), Son (Đức Nghĩa), Độc huyền cầm (Bảo Lan). Do vậy, việc Minh Chuyên chọn ca khúc Son (Đức Nghĩa) để đăng ký dòng nhạc dân gian hoàn toàn hợp lý, chưa nói việc Minh Chuyên xử lý ca khúc cũng như cách hát, trang phục biểu diễn…. rất dân gian.
Tương tự Minh Chuyên là Việt Hà và Ngọc Ký, đây là hai thí sinh được học thính phòng nhưng họ đã chọn dân gian để thi. Áp dụng kỹ thuật hát thính phòng vào những ca khúc dân gian là một sự sáng tạo mà nhiều thế hệ ca sỹ khác đã sử dụng, và đó là điều đáng được cổ vũ. Chỉ có điều, Việt Hà đã làm tốt hơn Ngọc Ký khi cô xử lý ca khúc rất ngọt và mang đậm màu sắc dân gian hơn. NSƯT Hà Thủy - giảng viên thanh nhạc ĐH văn hóa nghệ thuật quân đội là người rất ủng hộ cách lựa chọn này của các thí sinh thi dân gian. Theo chị, chúng ta phải đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm, âm nhạc phải mang hơi thở cuộc sống đương đại thì nó mới tồn tại và phát triển.
Với việc chọn 3 thí sinh đi tiếp vào vòng toàn quốc ở dòng nhạc dân gian là Minh Chuyên, Việt Hà, Nguyệt Anh là sự lựa chọn rất hợp lý của Ban giám khảo. Ở 3 thí sinh này là 3 cách hát dân gian khác nhau (Minh Chuyên dân gian đương đại, Việt Hà dân gian thính phòng và Nguyệt Anh dân gian), sự đa phong cách ấy sẽ khiến dòng thi dân gian nhiều màu sắc, phong phú và hấp dẫn hơn.
Cùng quan điểm này, nhạc sỹ An Thuyên tâm sự “Mỗi thế hệ, người ta sẽ hát dân gian và thưởng thức dân gian khác nhau. Thời của Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ… khác hẳn với thời của các em “7x, 8x” bây giờ. Và do đó, cách nhìn nhận cũng như tiếp cận với dòng nhạc dân gian ở hai thế hệ là rất khác nhau. Do đó, nếu như cứ ép các em trẻ tuổi bây giờ phải hát và nghe dân gian đúng kiểu “ngày xưa” thì đó là điều không hợp lý. Các em phải có đời sống của các em và vì thế, cách thưởng thức và cách hát của các em cũng phải đổi mới. Đó chính là một trong những yếu tố để dòng nhạc dân gian có thể bảo tồn và ngày càng phát triển, len lỏi vào đời sống xã hội như một dòng chảy ngầm nhưng mạnh mẽ và lâu bền”.