Gần 100 năm trước, ngày 21/6/1925, báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ dấu mốc lịch sử ấy, đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam đã có một thế kỷ vẻ vang, luôn đồng hành với đất nước và dân tộc, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam mà người cũng là một nhà báo xuất sắc của nền báo chí ấy. Người đã để lại di sản vô cùng quý báu, đó là một hệ thống tư tưởng, quan điểm, chỉ đạo sâu sắc về lý luận và nghiệp vụ báo chí cách mạng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển báo chí cách mạng nước nhà.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của báo chí trong việc tổ chức, tập hợp quần chúng tự giác tham gia phong trào cách mạng. Ngay từ những ngày tháng hoạt động tại Pháp, Người đã tham gia thành lập các tờ báo Người cùng khổ, Nhân đạo để truyền bá lý luận cách mạng vô sản. Về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Người thành lập tờ Thanh niên ra số đầu tiên vào ngày 21/6/1925, mở ra một dòng báo chí mới - báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 2000 bài báo, với 174 bút danh, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Người luôn lấy báo chí là vũ khí tiến công kẻ thù và là một phương tiện hoạt động có hiệu quả để xây dựng phong trào cách mạng.
100 năm qua, Việt Nam tự hào có một nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu và giá trị nhân văn. Hơn 500 nhà báo liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Thời bình, người làm báo tiếp tục âm thầm, bền bỉ và quyết liệt với nghề trong cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời kỳ mới. Tấm gương đạo đức báo chí và cách viết báo của Bác vẫn luôn là ánh sáng soi đường cho các thế hệ nhà báo hôm nay.
Những quan điểm về báo chí và người làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau. Hiện nay, sự phát triển của công nghệ và xã hội số đang đặt ra những thách thức và cơ hội không nhỏ cho báo chí. Công chúng báo chí từ vai trò tiếp nhận bị động đã dần chuyển sang chủ động. Sự phát triển của mạng xã hội đặt báo chí vào bối cảnh phải cạnh tranh về tốc độ thông tin từng giây từng phút. Trong bối cảnh ấy, yêu cầu cấp bách với các cơ quan báo chí là cần nhận diện đầy đủ những khó khăn thách thức, để đáp ứng xu thế phát triển mới của truyền thông hiện đại.
Trong bối cảnh đầy thách thức này, tư tưởng phong cách báo chí Hồ Chí Minh soi rọi vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, tiếp tục là kim chỉ nam dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục vượt qua thử thách, giữ vững lập trường chính trị, không ngừng đổi mới sáng tạo, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, đóng góp hiệu quả và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết suốt đời Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa báo chí, với văn phong đa dạng nhiều sắc thái, mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc tốt đẹp bằng những lời lẽ giàu hình tượng, nói lên những điều lớn bằng những chữ nhỏ. Hiện có hơn 25.000 nhà báo được cấp thẻ và làm việc trong 870 cơ quan báo chí. Những lời dạy của Người về báo chí và nghề báo luôn là những bài học quý báu cho lớp thế hệ người làm báo hôm nay.
Nhu cầu có thông tin sạch, thông tin trí tuệ vẫn được đông đảo độc giả quan tâm. Hơn ai hết, nhà báo là những người cung cấp thông tin chính xác nhất cho xã hội, để niềm tin vào sự thật, chính nghĩa và công lý luôn là ánh sáng soi đường để đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới, phát huy truyền thống vẻ vang 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!