Phóng viên Thời báo VTV đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Nam, người còn được biết tới với biệt danh "bác Leng Keng" trong những hành trình Bố ơi! Mình đi đâu thế?
Trở lại cùng Bố ơi! Mình đi đâu thế? cá nhân anh có cảm xúc như thế nào?
Sau một thời gian tạm thời gián đoạn, tôi quay lại với chương trình và thấy mình lại y như mùa đầu tiên: hồi hộp, háo hức và có cả sự lo lắng. Đây vốn là "đứa con tinh thần" mà tôi cùng với các cộng sự rất tâm đắc, yêu mến với hơn 200 tập phát sóng tạo được tiếng vang, thương hiệu và ghi dấu ấn trong lòng khán giả xem VTV. Tôi rất háo hức khi có cơ hội một lần nữa chạm tới cảm xúc của khán giả bằng những câu chuyện giản dị mà ấm áp về tình cảm cha con. Nhưng cùng với đó là những lo lắng, mong mỏi sao cho "đứa con" ấy sẽ được đón nhận, yêu thương nhiều hơn nữa khi trở lại.
Đạo diễn Nguyễn Nam tại họp báo ra mắt "Bố ơi! Mình đi đâu thế 2025"
Ngay cả trong giấc ngủ, tôi cũng nghĩ về những hoạt động trải nghiệm, thử thách, những nhiệm vụ cần "thiết kế" cho các cặp bố con. Sau 4 mùa phát sóng trước đó, tôi nghĩ, đâu đó, các cặp bố con cũng đã tìm hiểu, có sự "dè chừng" với "bác Leng Keng" nên các hoạt động nếu đơn giản quá thì sẽ không còn vui nữa. Cần có sự sáng tạo mới mẻ và phù hợp với các bé cũng như các ông bố. Với sự trở lại của Bố ơi! Mình đi đâu thế?, tôi muốn mang đến một điểm hẹn mùa hè cho cả gia đình trên sóng truyền hình. Ở đó có tình yêu, niềm hạnh phúc, sự rạng rỡ và ấm cúng lấp lánh, nồng ấm như ánh nắng vậy. Mùa hè đến rồi, tôi nghĩ đã đến lúc, không chỉ các cặp bố con trong chương trình mà cả các gia đình hãy bước ra khỏi những bức tường đóng kín, khô cứng để trải nghiệm nhiều hơn, cùng với nhau hòa mình vào những điều kỳ thú từ thiên nhiên, từ cuộc sống muôn màu bên ngoài.
Những chương trình truyền hình thực tế trải nghiệm như Bố ơi! Mình đi đâu thế? theo anh có sức hút như thế nào?
Hình ảnh trong chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế? 2025
Tôi nghĩ thị trường đang có sự chuyển dịch và dành sự đầu tư, quan tâm đến những chương trình truyền hình chất lượng cao. Thực tế show cho gia đình, nhất là cho trẻ em không có nhiều trong khi nhu cầu thưởng thức lại rất lớn. Tuy nhiên, để tạo được sức hấp dẫn thực sự thì phải có sự tìm tòi, sáng tạo trong cách thức thể hiện. Diện mạo mới cho Bố ơi! Mình đi đâu thế? là thách thức không nhỏ đối với một người được coi là già như tôi khi làm việc với một ekip gồm rất nhiều các bạn trẻ Gen Z. Để làm chương trình, chúng tôi đã có không ít sự xung đột về quan điểm, góc nhìn, cách thức thể hiện. Đó là chuyện đương nhiên, nhưng tôi cũng là người yêu thích những xung đột, yêu thích việc đón nhận sự khác biệt trong cách nhìn về cùng một vấn đề để từ đó lắng nghe, tìm ra những gì lớp khán giả (nhất là khán giả trẻ) hiện nay mong muốn.
Trở về với Bố ơi! Mình đi đâu thế, anh cũng trở về làm "bác Leng Keng", anh có ấn tượng hay kỷ niệm gì với cái tên này?
"Bác Leng Keng" mang đến những nhiệm vụ thú vị cho các cặp bố con trong chương trình
Tôi thích cái tên này. Có gì đó thật ngộ nghĩnh, trìu mến mang đến cảm giác hài hước, hóm hỉnh mà cũng thật gần gũi. Khi nghe tiếng leng keng, những đứa trẻ đâu có quan tâm tôi là ai, chúng cứ thế là hào hứng với việc được nhận nhiệm vụ mà thôi. Ở mùa trước, ông bố Xuân Bắc, giải thích "bác Leng Keng" là ông… dở hơi, chỉ giao nhiệm vụ mà không bao giờ thấy làm gì cả, ấy vậy mà vẫn chả bị loại.
Các chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của trẻ nhỏ nhận được sự quan tâm, yêu thích của đông đảo khán giả, nhưng đồng thời dường như cũng đòi hỏi ekip phải cân nhắc, thận trọng, tinh tế trong việc đưa ra các đề bài, xử lý các tình huống? Anh có nguyên tắc gì khi làm chương trình?
Khi đi làm chương trình với trẻ em, về trẻ em, tôi có nguyên tắc rõ ràng, luôn lấy chính con trai của mình ra để thử tính toán kỹ lưỡng về mức độ phù hợp. Con là người mình yêu thương đến vậy, mình có dám cho con thử thách như thế không? Nếu câu trả lời là có thì tôi sẽ nghĩ đến bước tiếp theo là tìm cách thể hiện cho các bé ở các độ tuổi, tính cách khác nhau.
Hình ảnh trong chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế? 2025
Chúng tôi luôn tập trung quan sát, theo dõi các em nhỏ trong chương trình, lắng nghe các bé nói, xem bé có tâm sự gì hay không và phải luôn kịp thời giải quyết bất cứ tình huống nào phát sinh, không làm gì khiến các bé sợ hãi, thu mình lại không muốn chia sẻ nữa.
Quá trình làm Bố ơi! Mình đi đâu thế?, tôi và ekip gần như theo sát các cặp bố con 24/24 giờ để lưu giữ lại không chỉ những hình ảnh mà cả những khoảnh khắc chân thật vui có, buồn có, có những khi bùng nổ hạnh phúc.
Với nhiều em nhỏ, thử thách không có gì to tát lắm đâu, có khi chỉ cần ra khỏi "vùng an toàn" quen thuộc trong ngôi nhà để tới với bờ ruộng, tiếp xúc với những "người bạn động vật" mới đã là "nhiệm vụ kỳ thú" rồi. Chương trình cũng đưa ra cách tiếp cận hợp lý, tạo sự hứng thú. Với các bé, chúng tôi sẽ nhẹ nhàng đứng xa một chút, lùi lại một chút để con lại gần với thiên nhiên hơn, chủ động hơn khám phá thế giới.
Với những cặp bố con chính thức và cả khách mời cho năm 2025, anh mong đợi họ sẽ mang đến những màu sắc, câu chuyện, thông điệp gì?
Các cặp bố con thực hiện thử thách của chương trình. (Ảnh trong bài: Chương trình cung cấp)
Tôi nghĩ, có lẽ đến với Bố ơi! Mình đi đâu thế? các cặp bố con mới có nhiều thời gian bên nhau và bộc lộ nhiều tình cảm như vậy. Mỗi ông bố có cá tính riêng, quan điểm chăm sóc, nuôi dạy con của họ cũng có nhiều điểm khác nhau. Mục đích của chương trình không phải để phân định mà là tạo cơ hội để bố con xích lại bên nhau, nói chuyện nhiều hơn để yêu thương một cách sâu sắc hơn, không có rào cản.
Xin cảm ơn anh!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!