Có nên bỏ thủ tục công chứng khi mua bán nhà?

Ngọc Dũng-Thứ bảy, ngày 28/05/2011 11:30 GMT+7

248 m2 nhà đất ở xã Cổ Nhuế trước kia chưa đầy 200 triệu đồng thì giờ đây, nó có giá trên 10 tỷ đồng, nên người bán đã yêu cầu hủy hợp đồng và khởi kiện ra Tòa bởi vì khi mua bán chỉ có viết tay.

Đây là một trong số những bản án liên quan đến việc mua bán nhà đất mà Toà án huyện Từ Liêm (Hà Nội) xét xử.

Thẩm phán Lại Vĩnh Trung, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Từ Liêm, Hà Nội cho rằng: “Một hợp đồng - một giao dịch mà chúng ta không làm chặt chẽ với nhau ngay từ đầu, không có công chứng chứng thực thì người mua hay người bán sẵn sàng thay đổi ý định khi mà giá trị hợp đồng ấy khác đi, không thống nhất với nhau thì kiện nhau ra Tòa”.

Công chứng để đảm bảo tính an toàn pháp lý, còn cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả xác nhận của công chứng để cấp sổ đỏ, làm thủ tục mua bán-cho thuê nhà đất...

Theo đề xuất mới đây của Bộ Xây dựng nhằm giảm bớt thủ tục phiền hà cho người dân, thì công chứng sẽ không làm việc này nữa mà chuyển cho các Văn phòng đăng ký nhà đất thuộc các quận huyện.

Theo ông Vũ Quốc Việt, Tập thể Nhà máy rượu Hà Nội: “Người mua khi sở hữu cái nhà mà không có sự đảm bảo về mặt pháp lý, thì việc sở hữu ấy rõ ràng là không hoàn toàn yên tâm được. Người bán sở hữu khoản tiền ấy nếu không được đảm bảo về mặt pháp lý, thì bản thân người bán được nhận tiền, nhưng khoản tiền ấy cũng chưa được đảm bảo chắc chắn”.

Bởi, Văn phòng đăng nhà đất chỉ kiểm tra hồ sơ đủ thành phần theo thủ tục quy định rồi tiến hành đăng ký vào giấy chứng nhận. Còn ý chí giữa các bên tham gia hợp đồng, nội dung hợp đồng có phù hợp pháp luật hay không thì cơ quan này không làm. Đó là công việc của công chứng.

Theo Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú, TP.Hà Nội: “Công việc liên quan đến nhà đất đó thì thấy thủ tục nào còn rườm rà cần cải tiến thì cải tiến ngay trong thủ tục đó. Thế còn đề xuất của Bộ XD đến việc các giao dịch liên quan đến nhà đất thì không công chứng nữa, điều ấy lặp lại lối mòn trước đây là đi vào rủi ro”.

Công chứng viên Trần Công Trục, Trưởng VPCC Thăng Long, TP.Hà Nội: "Việc của cơ quan quản lý nhà nước là việc đơn thuần về mặt hành chính. Còn công chứng, tôi nghĩ là không phải vấn đề hành chính, không phải là thủ tục hành chính, nó là 1 giai đoạn có tính chất nghiệp vụ pháp lý, là 1 nghề nghiệp".

Công chứng viên có vai trò là những “thẩm phán phòng ngừa”, giúp giảm thiểu rủi ro, phức tạp không đáng có cho các bên giao dịch và Nhà nước. Theo nhiều chuyên gia, đề xuất của Bộ Xây dựng có sự nhầm lẫn về chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan này.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp): Bộ Xây dựng đề xuất chỉ sửa đổi 1 số điều khoản của Luật Đất đai, Luật Nhà ở thì tôi nghĩ là không đơn giản như vậy. Bởi vì công chứng hay việc đăng ký bất động sản, đăng ký nhà đất liên quan đến cả hệ thống pháp luật dân sự về kinh tế-dân sự-về giao dịch và nó không chỉ sửa 1-2 điều của 1-2 đạo luật.

Nếu chuyển thủ tục công chứng cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện sẽ quay lại cảnh mười mấy năm trước, là ôm đồm hết việc mặc dù không giải quyết được. Cải cách thủ tục hành chính quan trọng nhất là phải dựa vào nguyên lý và biện pháp thực hiện, chứ không phải cắt cái này,bỏ cái kia một cách cơ học.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước