Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống và công việc, một nghiên cứu quy mô lớn từ Đại học Zurich (Thụy Sĩ) vừa cho thấy: người dùng ở Mỹ và Anh lo sợ mất việc vì AI nhiều hơn là lo ngại AI sẽ đe dọa sự sống còn của nhân loại.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences đã thực hiện ba thí nghiệm trực tuyến với hơn 10.000 người tham gia. Nhóm nghiên cứu chia các đối tượng thành nhiều nhóm: có người được đọc các cảnh báo về kịch bản thảm họa do AI gây ra trong tương lai, có người tiếp xúc với các rủi ro hiện tại như sai lệch thuật toán, tin giả và mất việc làm, trong khi nhóm còn lại đọc các nội dung trung tính hoặc nói về lợi ích của AI.
Kết quả cho thấy, mặc dù các cảnh báo về "thảm họa tương lai" khiến người đọc lo lắng nhất thời, nhưng nỗi lo thực sự và kéo dài lại nằm ở các rủi ro hiện hữu: thiên vị thuật toán trong ra quyết định, lan truyền thông tin sai lệch, và đặc biệt là việc AI thay thế lao động con người.
"Người tham gia nghiên cứu cho thấy khả năng phân biệt rõ giữa nguy cơ lý thuyết và vấn đề cụ thể – và họ đặc biệt nghiêm túc với các rủi ro cụ thể đang diễn ra," Giáo sư Fabrizio Gilardi, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết.
Một điểm đáng chú ý trong nghiên cứu là: dù những cảnh báo về AI hủy diệt nhân loại thường chiếm sóng trên truyền thông và trong các hội nghị công nghệ lớn, chúng không hề làm lu mờ mối quan tâm của công chúng đến các rủi ro hiện tại. Đồng tác giả Emma Hoes nhấn mạnh: "Việc thảo luận về nguy cơ lâu dài không nhất thiết làm người ta mất cảnh giác với các vấn đề trước mắt."
Tại Việt Nam, nỗi lo "mất việc vì AI" cũng ngày càng rõ nét
Không nằm ngoài xu hướng toàn cầu, các cuộc thảo luận về AI tại Việt Nam – từ mạng xã hội đến các diễn đàn công nghệ – cho thấy nhiều người đang dõi theo những thay đổi trên thị trường lao động do AI tạo ra.
Anh Lâm Quốc Bảo, quản lý một công ty dịch vụ sáng tạo tại TP.HCM, chia sẻ: "Khi thấy AI viết nội dung, tạo hình ảnh và thậm chí dựng video chỉ trong vài phút, tôi biết rõ công việc của một phần nhân sự công ty mình sẽ thay đổi, hoặc biến mất."
Còn chị Trần Thị Hương, từng làm việc tại một công ty phân tích thị trường tại Hà Nội, cho biết đã phải chuyển nghề sau khi vị trí của chị bị thay thế bằng một hệ thống AI kết hợp dữ liệu và tạo báo cáo tự động.
Một khảo sát nội bộ của một nền tảng tuyển dụng lớn tại Việt Nam cuối năm 2024 cũng từng ghi nhận: khoảng 62% người lao động trong lĩnh vực hành chính, nội dung và phân tích dữ liệu tin rằng AI có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc hiện tại trong 2–3 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!