Ngày 9/5/2025, tại Hà Nội, Cục Thể dục Thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng ngành Truyền thông Đa phương tiện Trường Đại học FPT đã họp tổng kết chặng đường 5 năm của dự án "Thể thao Việt Nam cùng sinh viên Đại học FPT", đồng thời mở ra giai đoạn mới với tầm nhìn phát triển tới năm 2030.
Ra đời trong bối cảnh Thể thao Việt Nam cần một cú hích mạnh mẽ về truyền thông số, dự án được triển khai từ năm 2021, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Thể dục Thể thao, với sự phối hợp thực hiện của hơn 100 sinh viên, cựu sinh viên cùng giảng viên Trường Đại học FPT Hà Nội.
Bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam cùng các đại diện các nhóm sinh viên trẻ thực hiện dự án
Đặc biệt, dự án có sự tham gia của nhiều gương mặt chủ chốt của ngành thể thao như: Bà Lê Thị Hoàng Yến – Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao (TDTT), ông Lý Đức Thùy – Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông TDTT, ông Vũ Xuân Thành, ông Nguyễn Đông Anh, bà Bùi Thu Hương, ông Doãn Hữu Bình cùng nhiều cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên và chuyên gia đầu ngành. Phía Đại học FPT có sự dẫn dắt từ TS. Vũ Việt Nga, ThS. Vũ Thị Tuyết Nhung…
5 năm với hơn 20 sự kiện, 12 chiến dịch
Dự án đã đặt nền móng cho một hệ sinh thái truyền thông số chuyên biệt cho Cục TDTT, phát triển các kênh Facebook, TikTok, YouTube và các nền tảng vệ tinh, tạo ra hàng trăm sản phẩm truyền thông đa phương tiện, lan tỏa hình ảnh Thể thao Việt Nam tới thế hệ Gen Z.
Hai chiến dịch mở đầu là những điểm sáng đáng nhớ: "Tăng cường hoạt động thể chất trong đại dịch Covid-19" (năm 2021), "SEA Games 2021 – Hà Nội" (triển khai trong 2022). Hai chiến dịch này không chỉ giúp sinh viên FPT ghi dấu ấn với điểm số xuất sắc trong đồ án tốt nghiệp, mà còn tạo nên cú huých quan trọng về truyền thông trong bối cảnh thể thao nước nhà chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch.
Bước ngoặt lớn của dự án đến vào tháng 2/2024, khi Cục TDTT chính thức phê duyệt kế hoạch triển khai 12 chiến dịch truyền thông dài hơi kéo dài đến hết 2025. Nổi bật trong đó là các chiến dịch: "Tinh thần thể thao Việt Nam hướng tới Olympic Paris 2024" và "Vinh quang thể thao Việt Nam", góp phần tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ cho Thể thao Việt Nam trên hành trình chinh phục Olympic Paris, lần đầu tiên tổ chức livestream các sự kiện trên nền tảng mạng xã hội và triển khai bình chọn VĐV yêu thích trên TikTok.
Chiến dịch "Tình yêu của thể thao dành cho người khuyết tật" lan tỏa khái niệm thể thao không giới hạn, tổ chức workshop gây quỹ hơn 99 triệu đồng để phát triển boccia, pickleball và hỗ trợ Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An.
Chiến dịch "Thể thao Việt Nam dưới lăng kính về giới" và "Vinh danh những người hùng thầm lặng" truyền cảm hứng về sự bình đẳng và ghi nhận những đóng góp phía sau sân đấu – từ y bác sĩ, huấn luyện viên tới kỹ thuật viên và tình nguyện viên.
Chiến dịch "Gen Z và Thể thao Việt Nam" tạo tiếng vang lớn với thông điệp "Tập luyện thể thao, Gen Z vươn cao", khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm thế hệ trẻ với nền thể thao nước nhà.
Trong năm 2025, chuỗi chiến dịch tiếp theo tiếp tục được khởi động với những ý tưởng sáng tạo, đa chiều: "Chất riêng thể thao Việt qua góc nhìn thời trang", "Vẻ đẹp Việt Nam qua sắc màu thể thao", Chiến dịch truyền thông cho Ủy ban Paralympic Việt Nam, "Thể thao Việt Nam chuyển động xanh", "Sự kiện bóng đá 7 người sinh viên toàn quốc lần 4 – SV7", "Thể thao với người đi làm văn phòng". Những dự án này không chỉ tiếp tục kết nối cộng đồng mà còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng, thúc đẩy xu hướng thể thao vì sức khỏe, vì môi trường và sự hòa nhập toàn diện.
Tầm nhìn tới năm 2030: Thể thao Việt Nam bứt phá mạnh mẽ
Phát biểu tại lễ tổng kết, TS. Vũ Việt Nga xúc động chia sẻ: "Chúng ta đã học được rất nhiều điều, đặc biệt là tinh thần dân tộc, tinh thần đồng đội. Nếu không có tình yêu thể thao, chúng ta đã không thể tổ chức hơn 20 sự kiện ở khắp các tỉnh thành, không thể ngày đêm sản xuất ấn phẩm chất lượng, không thể bền bỉ nghiên cứu về từng môn thể thao, về thể thao khuyết tật…".
Còn với bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục TDTT, sự đóng góp của thế hệ trẻ chính là điều đặc biệt nhất: "Các chiến dịch truyền thông không thể đong đếm hết được tình yêu thể thao của các bạn trẻ. Các bạn đã coi các vận động viên như thần tượng, như người bạn đồng hành. Ban lãnh đạo sẽ tiếp tục đồng hành và tạo điều kiện để thế hệ trẻ được truyền cảm hứng và truyền cảm hứng lại cho cộng đồng".
Đón đoàn VĐV VN đi thi đấu Paralympic Paris về Hà Nội
Hướng tới năm 2030, ngành thể thao Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đồng đều cả về phong trào và thành tích cao, hướng tới các đấu trường lớn như Olympic, ASIAD, SEA Games, đồng thời đón mừng các cột mốc quan trọng: 30 năm thành lập Ủy ban Paralympic Việt Nam (2025), 80 năm Ngày Thể thao Việt Nam (2026).
Với quyết tâm đổi mới truyền thông, gắn bó bền vững cùng sinh viên, vận động viên, người dân và các tổ chức xã hội, ngành thể thao Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong thời đại số – không chỉ là những chiến thắng trên bảng tổng sắp huy chương, mà còn là chiến thắng trong lòng công chúng, trong nhận thức cộng đồng và sự kết nối thế hệ, đặc biệt là nguồn lực trẻ, để bứt phá mạnh mẽ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!