Lá chắn tối tân trị giá hàng trăm tỷ USD
Ngày 20/5, Tổng thống Donald Trump tuyên bố chính quyền Mỹ đã "chọn xong kiến trúc hệ thống" cho một lá chắn tên lửa tối tân có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ USD, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ triển khai vũ khí trong không gian, mang tên "Golden Dome for America" ("Vòm Vàng nước Mỹ").
Phát biểu tại Phòng Bầu dục cùng Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, ông Trump cho biết "Vòm Vàng" sẽ là hệ thống phòng thủ nhiều tầng, kết hợp công nghệ thế hệ mới trên bộ, trên biển và trong không gian, bao gồm cả cảm biến và đánh chặn từ vũ trụ.
"Vòm Vàng sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa cho dù chúng được phóng từ bên kia địa cầu, hay thậm chí từ không gian", ông Trump nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn hệ thống này đi vào hoạt động trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Dự án bao gồm các thành phần trên mặt đất và trong không gian, có khả năng phát hiện và tiêu diệt tên lửa từ trước khi chúng rời bệ phóng, trong giai đoạn bay giữa và cả lúc sắp đánh trúng mục tiêu.
Tướng Gregory Guillot - chỉ huy Bộ Tư lệnh miền Bắc của Mỹ cho biết trước Quốc hội hồi tháng 4 rằng sáng kiến này sẽ mở rộng các hệ thống hiện có và xây dựng những chương trình mới nhằm đối phó với toàn bộ các mối đe dọa từ trên không. Ông mô tả hệ thống gồm: một tầng nhận thức về mối đe dọa, một tầng đánh chặn ICBM (tên lửa đạn đạo liên lục địa) - vốn đã có với các tên lửa đánh chặn trên mặt đất (GBI) dùng để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, và một tầng đối phó với tên lửa hành trình và các đe dọa từ không trung.
"Thời điểm tốt nhất để đánh chặn một tên lửa là ngay khi nó được phóng" - tướng về hưu Frank McKenzie, cựu tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, bình luận trên chương trình CBS Mornings Plus hôm 22/5. Ông nhấn mạnh rằng giai đoạn đầu tên lửa bay theo quỹ đạo rất dễ dự đoán, chưa thể đánh lừa radar, và cũng chưa thể cơ động, là thời điểm lý tưởng để tiêu diệt.
"Muốn làm được điều đó, phải lên không gian", ông nói. "Chúng ta cần một hệ thống đặt trong không gian và điều đó hoàn toàn khả thi".
Ông Tom Karako - giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), khẳng định với CBS News rằng kế hoạch này "không phải là quyết định vội vàng", mà được xây dựng dựa trên nền tảng kỹ thuật, hiểu biết về mối đe dọa và những kế hoạch dài hạn đã được ấp ủ từ lâu.
Tổng thống Trump giới thiệu về dự án "Vòm Vàng nước Mỹ" cùng Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 20/5/2025. (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, theo ông Trump, dự án sẽ triển khai tại các bang Florida, Georgia, Indiana và Alaska, do nhiều tập đoàn công nghệ và quốc phòng của Mỹ tham gia - hiện chưa được lựa chọn chính thức. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính chỉ riêng phần hệ thống đặt trong không gian đã có thể tiêu tốn tới 542 tỷ USD.
"Chi phí thực sự là điều đáng ngại", Tướng McKenzie thừa nhận. "Nhưng nếu xét đến khả năng bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công hạt nhân, không nhất thiết là từ Nga, mà có thể từ Triều Tiên, Iran hay thậm chí là Pakistan, thì đó là khoản đầu tư có lý".
Tập đoàn Lockheed Martin, một trong những "ông lớn" quốc phòng Mỹ, tuyên bố trên mạng xã hội X rằng họ sẵn sàng tham gia dự án và gọi đây là "sứ mệnh mang tầm cỡ Dự án Manhattan", ám chỉ dự án phát triển bom nguyên tử của Mỹ trong Thế chiến II.
CEO của Lockheed Martin cho biết hệ thống này không chỉ bảo vệ nước Mỹ trước tên lửa hạt nhân, mà còn chống được tên lửa tầm trung, tên lửa hành trình và các mối đe dọa khác.
Tổng thống Trump cũng chỉ định Tướng Michael Guetlein thuộc Lực lượng Không gian Hoa Kỳ phụ trách giám sát tiến trình dự án. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Không quân Troy Meink, kế hoạch vẫn chỉ đang ở giai đoạn khái niệm và chưa được cấp ngân sách. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện vẫn đang xây dựng các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, theo hãng tin AP.
Cảm hứng từ "Vòm Sắt" của Israel
Ý tưởng "Vòm Vàng" lần đầu được ông Trump nhắc đến trong bài phát biểu trước Quốc hội hồi tháng 3/2025. Khi đó, ông kêu gọi cấp ngân sách cho dự án và nói: "Israel có, các nơi khác có, nước Mỹ cũng nên có".
Dự án được cho là lấy cảm hứng từ "Vòm Sắt" (Iron Dome) của Israel - hệ thống phòng thủ được triển khai từ năm 2011, chủ yếu đối phó với các tên lửa tầm ngắn. Hệ thống này đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa với tỉ lệ thành công trên 90%, theo chính phủ Israel.
Israel triển khai hệ thống "Vòm Sắt" (Iron Dome) từ năm 2011. (Ảnh: Bộ QP Israel)
Phản ứng của Trung Quốc
Ngày 21/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, Bắc Kinh "rất quan ngại" về dự án lá chắn tên lửa "Golden Dome" (Vòm Vàng) của Mỹ. và kêu gọi Washington từ bỏ việc phát triển dự án này.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Mao Ninh cho biết dự án của Mỹ mang "ý nghĩa tấn công mạnh mẽ" và làm gia tăng nguy cơ quân sự hóa không gian vũ trụ và chạy đua vũ trang.
"Mỹ, khi theo đuổi chính sách 'nước Mỹ trên hết', đã bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm an ninh tuyệt đối cho chính mình. Điều này vi phạm nguyên tắc rằng an ninh của tất cả các quốc gia không nên bị xâm phạm và làm suy yếu sự cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu. Trung Quốc thực sự quan ngại về điều này", bà Mao cho biết.
Bà Mao cũng kêu gọi Washington từ bỏ việc phát triển hệ thống này càng sớm càng tốt và hành động để tăng cường lòng tin giữa các cường quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!