Kiev đã dựa vào các đồng minh để được hỗ trợ quân sự kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, Ukraine kỳ vọng sẽ xuất khẩu công nghệ máy bay không người lái, có thể phù hợp với các kế hoạch của châu Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Năm 2024, giới chức Ukraine cho biết nước này đã sản xuất hơn 2 triệu máy bay không người lái (UAV). Mục tiêu của Kiev là sản xuất 5 triệu UAV mỗi năm.
Máy bay không người lái đã trở thành một thành phần quan trọng trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gây ra khoảng 70% thương vong ở cả hai bên. Chỉ riêng trong tháng 3, Ukraine đã thực hiện hơn 77.000 cuộc tấn công UAV.
Oleksii Zhulinskiy - Giám đốc công nghệ của công ty sản xuất máy bay không người lái 3DTech có trụ sở tại Kiev - cho biết các chiến trường của đất nước này là một bãi thử nghiệm quan trọng.
"Chúng tôi liên lạc với binh sĩ gần như hàng ngày nhằm nhận được phản hồi về sản phẩm của mình, qua đó cải thiện sản phẩm và phát triển một số tính năng hoặc giải quyết vấn đề" - ông Zhulinskiy nói.
Công ty chế tạo máy bay không người lái này đã sản xuất tới 3.000 UAV mỗi tháng.
Hiện các nhà sản xuất máy bay không người lái trên toàn Ukraine coi việc tăng cường sản xuất là trọng tâm chính. Riêng trong năm nay, Ukraine đã phân bổ 2,6 tỷ USD cho việc mua sắm máy bay không người lái điều khiển góc nhìn thứ nhất (FPV).
Theo ông Zhulinskiy, lĩnh vực máy bay không người lái của Ukraine đang thu hút sự quan tâm của các đồng minh, đặc biệt là những nước gần biên giới Nga.
"Có nhiều yêu cầu từ các nước châu Âu và các công ty châu Âu, họ muốn mua hoặc biết một số thông tin về máy bay không người lái của chúng tôi vì họ lo ngại ảnh hưởng của Nga" - ông Zhulinskiy nói thêm.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất máy bay không người lái cho biết việc mở rộng quy mô sản xuất đòi hỏi nguyên liệu thô và chi phí, trong khi chuỗi cung ứng dễ bị gián đoạn.
Trong khi Ukraine đang nỗ lực tăng cường năng lực sản xuất UAV trong nước, các chuyên gia quốc phòng lưu ý rằng nguồn tài chính vẫn là một vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh nguồn hỗ trợ từ Mỹ không còn là sự đảm bảo nữa.
Kế hoạch ReArm Europe của Ủy ban châu Âu - kêu gọi tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trên khắp các quốc gia thành viên - có thể mở khóa hơn 800 tỷ USD cho lĩnh vực quốc phòng của khối.
Với việc máy bay không người lái đang trở thành một thành phần quan trọng của chiến tranh hiện đại, kinh nghiệm thực tế và công nghệ đã được thử nghiệm trên chiến trường của Ukraine có thể khiến nhu cầu về phần cứng quân sự của nước này tăng vọt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!