Phát biểu tại Doha, ông Trump nhấn mạnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine "cần phải chấm dứt", đồng thời bày tỏ tiếc nuối về số sinh mạng đã mất trong suốt cuộc chiến cùng số tiền khổng lồ mà Mỹ đã chi ra cho Kiev.
"Chúng ta đã chi tới 350 tỷ USD - chỉ đơn giản là đưa cho họ. Không ai biết số tiền đó hiện ở đâu. Không có kiểm toán. Không có ai cả. Cứ thế mà đưa tiền cho ông ta" - ông Trump nói, ám chỉ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tổng thống Mỹ tiếp tục châm biếm: "Tôi phải công nhận điều này, ông ấy là người bán hàng vĩ đại, có lẽ giỏi nhất trong lịch sử. Mỗi lần tới Mỹ, ông ấy lại mang về 100 tỷ USD. Quá giỏi phải không? Lần gần đây thì ít hơn một chút, chỉ được 60 tỷ USD thôi".
Tổng thống Zelensky gần đây đã tới thăm Nhà Trắng vào tháng 2 trong kế hoạch ký kết thỏa thuận khoáng sản với Mỹ. Tuy nhiên, chuyến đi không diễn ra suôn sẻ khi ông vấp phải căng thẳng với cả ông Trump và Phó Tổng thống đương nhiệm JD. Vance. Cuộc gặp gần nhất giữa hai nhà lãnh đạo là tại tang lễ Đức Giáo hoàng Francis hồi tháng trước.
Ông Trump và ông Zelensky tranh cãi căng thẳng tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 28/2/2025. (Ảnh: AFP/Getty Images)
Trước đó, trong lần phát biểu tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ (CPAC) ở bang Maryland ngày 22/2/2025, ông Trump nhấn mạnh: "Châu Âu đã viện trợ 100 tỷ USD. Mỹ đã cung cấp 350 tỷ USD cho Ukraine. Tôi muốn họ phải đáp lại chúng ta vì tất cả số tiền mà chúng ta đã bỏ ra. Chúng tôi đang yêu cầu khai thác đất hiếm, dầu mỏ, bất cứ thứ gì có thể đổi lại...
Chúng tôi sẽ lấy lại tiền của mình. Chúng tôi phải lấy lại tiền vì điều này không công bằng. Nó thực sự không công bằng", ông Trump nói thêm. "Và chúng ta sẽ xem xét. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đang tiến rất gần đến một thỏa thuận và chúng ta cần đạt được nó càng sớm càng tốt".
Sau nhiều vòng đàm phán, vào tháng 4 vừa qua, Kiev thông báo đã ký kết với Mỹ một bản ghi nhớ, được xem là bước đi đầu tiên hướng tới thỏa thuận hợp tác khai thác và phát triển tài nguyên khoáng sản tại Ukraine. Đến tuần trước, Quốc hội Ukraine chính thức phê chuẩn thỏa thuận này.
Kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Mỹ là nhà viện trợ lớn nhất của Kiev, với số tiền được tuyên bố là lên đến 500 tỷ USD. (Ảnh: BQP Mỹ)
Ngày 13/5, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko, cho biết Ukraine đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai thỏa thuận, bao gồm việc đưa vào vận hành quỹ đầu tư song phương giữa hai nước.
Bà Svyrydenko nhấn mạnh việc hoàn thành thủ tục là "một cột mốc quan trọng" hướng đến việc triển khai chính thức Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine.
Theo bà, thỏa thuận được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, phù hợp với lợi ích quốc gia của Ukraine và nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư phục vụ trực tiếp quá trình phục hồi và phát triển đất nước. Thỏa thuận quy định Mỹ được hưởng quyền tiếp cận ưu tiên đối với các dự án khai thác khoáng sản mới tại Ukraine, đồng thời hai bên sẽ thiết lập một quỹ đầu tư phục vụ công cuộc tái thiết Ukraine trong 10 năm đầu tiên.
Ngoài mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ukraine cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ mở rộng thêm các chương trình hỗ trợ quốc phòng từ phía Mỹ, bao gồm khả năng tăng cường các hệ thống phòng không như Patriot nhằm bảo vệ không phận quốc gia.
Quang cảnh phòng họp nơi phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/5/2025. (Ảnh: AFP)
Cuộc tiếp xúc trực tiếp hiếm hoi giữa phái đoàn Ukraine và Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5 đã kết thúc mà không đạt được đột phá nào rõ rệt. Dù vậy, việc hai bên chịu ngồi cùng bàn đàm phán - điều chưa từng xảy ra kể từ những tuần đầu cuộc chiến hồi tháng 2/2022 - đã được coi là một bước tiến quan trọng.
Một bước tiến cụ thể đã đạt được trong cuộc đàm phán: hai bên nhất trí tiến hành một cuộc trao đổi tù binh quy mô lớn, với khoảng 1.000 người từ mỗi bên được trả tự do. Thỏa thuận này bao gồm ba nhóm đối tượng: trẻ em, dân thường và binh lính.
Sau cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau ba năm chiến sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Hai tới nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn. Ông Trump nhấn mạnh mục tiêu chấm dứt "cuộc tắm máu" đang khiến hơn 5.000 binh sĩ Nga và Ukraine thiệt mạng mỗi tuần.
Tổng thống Trump cũng cảnh báo rằng nếu các cuộc đàm phán không mang lại kết quả, ông sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga, bao gồm thuế quan cao đối với các nước tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga. Ông cho biết sẽ gặp trực tiếp Tổng thống Putin "ngay khi có thể" để thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Trong khi đó, phía Nga tiếp tục yêu cầu Ukraine rút quân khỏi các khu vực do Nga kiểm soát gồm: Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson; đồng thời từ chối đề xuất ngừng bắn vô điều kiện từ Kiev và các đồng minh phương Tây.
Tổng thống Trump khẳng định rằng chỉ có cuộc gặp trực tiếp giữa ông và Tổng thống Putin mới có thể mang lại đột phá trong tiến trình hòa bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!