Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (Ảnh: AP)
Yêu cầu toàn diện này được đưa ra chỉ hơn một tuần sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được ví như một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Marcos, với kết quả không như kỳ vọng. Động thái này mở đường cho một cuộc cải tổ mạnh mẽ để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của người dân sau kết quả đáng thất vọng của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Marcos nhấn mạnh đây không phải vấn đề về con người mà là về hiệu quả, sự phối hợp và tính cấp bách. Chính phủ không thể tự mãn và thời kỳ của vùng an toàn đã qua. Ông cam kết các dịch vụ của chính phủ sẽ không bị gián đoạn trong quá trình chuyển đổi, đồng thời nhấn mạnh sự ổn định cùng chế độ trọng dụng người tài sẽ định hướng cho việc lựa chọn nội các mới.
Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống cho biết chỉ thị của ông Marcos nhằm mục đích điều chỉnh lại chính quyền sau kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2025 - một động thái được mô tả là "cải tổ mạnh mẽ" chính phủ để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của người dân. Yêu cầu từ chức sẽ giúp ông Marcos có đủ không gian để đánh giá hiệu quả hoạt động của từng bộ phận và quyết định ai sẽ tiếp tục phục vụ, phù hợp với các ưu tiên được điều chỉnh lại của chính quyền ông.
Sau thông báo của Văn phòng Tổng thống, 3 trong số 30 bộ trưởng đã tuyên bố từ chức.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở thành phố Batac, tỉnh Ilocos Norte, Philippines, ngày 12/5 (Ảnh: AP)
Cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ được tổ chức vào tuần trước được coi là cuộc trưng cầu ý dân về chính quyền hiện tại. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu này, chỉ có 6 trong số 11 ứng cử viên được ông Marcos ủng hộ giành được ghế tại Thượng viện Philippines. Tổng thống Marcos đã không thể giành được số ghế tuyệt đối từ các đồng minh tại Thượng viện, báo hiệu một sự chia rẽ trong nửa sau nhiệm kỳ của ông.
Theo khảo sát của Pulse Asia vào tháng 3, mức độ tín nhiệm từ công chúng đối với ông Marcos đang giảm mạnh, khi chỉ 25% số người Philippines ủng hộ hiệu quả làm việc của ông, so với mức 42% trước đó. Ngược lại, Phó Tổng thống Sara Duterte có tỷ lệ ủng hộ cao hơn đáng kể - ở mức 59%.
Nguyên nhân sụt giảm là do Chính phủ Philippines không kiểm soát được lạm phát - mối quan tâm hàng đầu của các hộ gia đình Philippines, bất chấp lạm phát đã trở lại phạm vi mục tiêu 2% - 4% của Ngân hàng trung ương Philippines kể từ tháng 8/2024.
Theo nhà lãnh đạo Philippines, trong khi nhiều thành viên nội các phụng sự một cách tận tụy và chuyên nghiệp, nhu cầu ngày càng thay đổi của đất nước đòi hỏi một sự liên kết mới, thực hiện nhanh hơn và tư duy đặt kết quả lên hàng đầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!