Thủ tướng Pháp Francois Bayrou tại Hạ viện Pháp, ở Paris ngày 13/5/2025. (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Pháp Francois Bayrou đang đứng trước thử thách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị, khi phải ra điều trần trước Quốc hội về vụ việc lạm dụng tình dục trẻ em kéo dài hàng thập kỷ tại một trường học Công giáo ở miền tây nam nước Pháp, có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ông trong dư luận.
Ông Bayrou, từng giữ chức Bộ trưởng Giáo dục từ năm 1993- 1997, đang bị phe đối lập cáo buộc về việc chịu trách nhiệm cho các hành vi bạo hành thể chất và lạm dụng tình dục xảy ra tràn lan tại Trường Notre-Dame de Bétharram - nơi một số người con của ông từng theo học, còn vợ ông giảng dạy môn tôn giáo. Thủ tướng Pháp đương nhiệm đã bác bỏ mọi sai phạm và tố cáo đây là một chiến dịch nhằm "hạ bệ" ông.
Trước thềm phiên điều trần bắt đầu lúc 17h ngày 14/5 (giờ địa phương), giới phân tích nhận định màn thể hiện của ông Bayrou có thể quyết định tương lai chính trị của ông, trong bối cảnh uy tín đang suy giảm nhanh chóng.
Một số cựu học sinh nội trú của Bétharram cho biết trải nghiệm tại trường đã để lại tổn thương tâm lý suốt đời, khi có một vị linh mục thường xuyên đến thăm các em vào ban đêm. "Nhà nước đã thất bại trong việc bảo vệ trẻ em tại Bétharram", ông Alain Esquerre - đại diện nhóm nạn nhân - lên tiếng.
Trong khi đó, ông Bayrou tiếp tục khẳng định ông "không biết" về các vụ việc. Tuy nhiên, phát biểu của ông đã bị nhiều nhân chứng bác bỏ, trong đó có con gái lớn của ông.
Tháng 4 vừa qua, bà Hélène Perlant - con gái cả của Thủ tướng Bayrou công khai tố cáo hành vi lạm dụng kéo dài tại trường Bétharram, cho biết bà từng bị một linh mục đánh đập trong trại hè khi mới 14 tuổi, vào thời điểm cha bà đang giữ chức vụ tại địa phương. Tuy vậy, bà cũng nói rằng cha mình không biết về sự việc lúc đó.
Mới đây, cha của một nạn nhân cũng lên tiếng tố cáo ông Bayrou "nói dối" vì không muốn bê bối này ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị đang lên.
Trả lời báo chí hôm 10/5, ông Bayrou nói phiên điều trần là "cơ hội để chứng minh mọi cáo buộc đều sai sự thật".
Giới quan sát nhận định phiên điều trần ngày 14/5 sẽ mang tính bước ngoặt đối với sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Bayrou, trong bối cảnh chính phủ trung hữu do ông đứng đầu không nắm giữ đa số tuyệt đối tại Quốc hội và đang chịu áp lực gia tăng từ các lực lượng đối lập. (Ảnh: AFP)
Tuy nhiên, công ty phân tích rủi ro chính trị Eurasia Group cảnh báo vụ bê bối dù chưa đủ sức khiến ông Bayrou mất chức, có thể trở thành cái cớ để những đối thủ trong Quốc hội - kể cả một số người từng ủng hộ ông - gây áp lực đối với chính phủ trung hữu do ông đứng đầu. Nhóm này lưu ý rằng "những lý do bất mãn thì rất nhiều", bao gồm cả khủng hoảng ngân sách nghiêm trọng của Pháp hiện nay.
Hai đồng báo cáo viên của Ủy ban điều tra - ông Paul Vannier và bà Violette Spillebout - sẽ chất vấn ông Bayrou về mức độ ông biết liên quan đến các cáo buộc bạo lực, xâm hại tình dục và cưỡng hiếp xảy ra tại ngôi trường nằm gần thành phố Pau, nơi ông là Thị trưởng từ năm 2014.
Một người thân cận với ông Bayrou cho biết Thủ tướng không phải đối tượng chính của cuộc điều tra, mà trọng tâm là "cách thức nhà nước giám sát và ngăn chặn bạo lực học đường".
Sau khi hoàn tất các buổi làm việc với nạn nhân, nhân chứng và các cựu bộ trưởng, Ủy ban điều tra dự kiến công bố kết luận vào cuối tháng 6.
Từ tháng 2/2024 đến nay, đã có tổng cộng 200 đơn kiện được nộp lên các cơ quan pháp lý, cáo buộc các linh mục và nhân viên tại Trường Bétharram có hành vi bạo hành hoặc lạm dụng tình dục trong giai đoạn từ năm 1957 - 2004.
Là Thủ tướng thứ 6 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron, ông Bayrou - thuộc phe trung dung - được bổ nhiệm vào tháng 12 năm ngoái với nhiệm vụ đưa nước Pháp thoát khỏi bế tắc chính trị kéo dài. Tuy vượt qua được các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhờ sự hậu thuẫn từ phe Xã hội, song uy tín của ông đang dần suy giảm.
Theo kết quả khảo sát công bố cuối tuần qua, tỷ lệ ủng hộ ông Bayrou đã lần đầu tiên tụt xuống thấp hơn cả Tổng thống Macron, chỉ còn 27%. Trong khi đó, một số đảng phái, đặc biệt là Đảng Xanh, cáo buộc ông "khai man" và kêu gọi ông từ chức.
"Ông Bayrou không thể nói dối trước Quốc hội. Nếu ông ấy làm vậy, sự nghiệp chính trị của ông sẽ chấm dứt", một đồng minh thân cận của Tổng thống Macron nhận định. Một nghị sĩ Xã hội khác (giấu tên), cũng cho rằng: "Sự nghiệp chính trị của ông Bayrou coi như đã lụi tàn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!