Pháp: Khi giấc mơ vươn lên bị "tài sản thừa kế" chặn đường

Kiên Dương (t/h)-Thứ tư, ngày 14/05/2025 06:05 GMT+7

Nước Pháp hiện nay đang tiến gần hơn bao giờ hết đến một xã hội của những người thừa kế. (Ảnh minh họa)

bangdatally.xyz - Bước sang thế kỷ XXI, nước Pháp đang chứng kiến một cuộc "phản công" âm thầm nhưng đầy thế lực: sự trở lại của tài sản thừa kế.

Sự trở lại của tài sản thừa kế

Nếu như thế kỷ XX từng là kỷ nguyên của lao động, nơi con người có thể "ngẩng đầu mà đi" nhờ mồ hôi công sức của chính mình, thì bước sang thế kỷ XXI, nước Pháp đang chứng kiến một cuộc "phản công" âm thầm nhưng đầy thế lực: sự trở lại của tài sản thừa kế.

Theo Le Monde, nước Pháp hiện nay đang tiến gần hơn bao giờ hết đến một xã hội của những người thừa kế. Mức độ chênh lệch tài sản và tỷ lệ tài sản thừa kế trong tổng của cải quốc gia đang tiến dần đến mức của thế kỷ XIX – thời kỳ mà địa vị xã hội được quyết định từ lúc lọt lòng mẹ, hơn là từ bất kỳ nỗ lực cá nhân nào.

Theo Quỹ Jean Jaurès, từ nay đến năm 2040, nước Pháp sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao tài sản trị giá khoảng 9.000 tỷ euro – một con số khổng lồ tương đương 3,5 lần GDP nước này. Sự dịch chuyển này chủ yếu bắt nguồn từ thế hệ baby-boomer đang bước vào tuổi già. Đây là "mỏ vàng" cho thế hệ kế tiếp – nhưng cũng đồng thời là "ngưỡng cửa" khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau.

Xét trên phương diện tích cực, tài sản thừa kế có thể giúp ổn định cuộc sống, giảm áp lực chi phí nhà ở, giáo dục và y tế cho thế hệ trẻ. Nó cũng có thể thúc đẩy đầu tư cá nhân nếu được sử dụng đúng cách – tạo điều kiện cho những ai có khát vọng kinh doanh nhưng thiếu vốn khởi đầu.

Tuy nhiên, như bà Mélanie Plouviez – chuyên gia triết học xã hội tại Đại học Côte d’Azur – cảnh báo, nếu tài sản thừa kế trở nên quan trọng hơn lao động trong việc hình thành tài sản, thì xã hội sẽ đi vào vòng luẩn quẩn phân tầng: những khối tài sản lớn nhất sẽ chỉ nằm trong tay những ai "sinh ra ở vạch đích". Những người còn lại – dù học hành đàng hoàng, cần cù làm việc – vẫn mãi chỉ "thuê nhà và trả nợ".

Pháp: Khi giấc mơ vươn lên bị tài sản thừa kế chặn đường - Ảnh 1.

Từ nay đến năm 2040, nước Pháp sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao tài sản trị giá khoảng 9.000 tỷ euro. (Ảnh minh họa)

Những con số biết nói

Theo Hội đồng phân tích kinh tế Pháp (CAE), tỷ lệ tài sản thừa kế trong tổng của cải quốc gia đã tăng từ 35% năm 1970 lên 60% hiện nay. 10% người giàu nhất nắm giữ 54% tổng tài sản và gần 80% tài sản tài chính và doanh nghiệp. Ngược lại, 50% người nghèo nhất chỉ sở hữu dưới 5% tài sản – một mức độ tập trung tương tự... thế kỷ XIX.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một người nghèo ở Pháp phải mất tới 6 thế hệ để vươn tới mức thu nhập trung bình – dài hơn cả Mỹ, Tây Ban Nha hay khu vực đồng euro.

Một nghiên cứu của INSEE còn cho thấy: gần 2/3 người khởi nghiệp nghề nghiệp từ năm 2003 vẫn ở nguyên nhóm thu nhập sau 18 năm. Tức là, chỉ riêng lao động thôi, ngày nay gần như không thể giúp một người "vượt trội" lên hẳn về kinh tế.

Tài sản thừa kế còn bị chỉ trích vì tính "ì ạch" của nó. Khác với lao động hay đầu tư sản xuất, phần lớn tài sản thừa kế không được sử dụng để thúc đẩy đổi mới mà thường nằm yên trong chứng khoán hoặc bất động sản – nơi sinh lợi thụ động hơn là tạo công ăn việc làm.

Thêm vào đó, tuổi thọ tăng khiến phần lớn tài sản này chỉ được truyền cho người trên 60 tuổi – lứa tuổi có tỷ lệ tiết kiệm cao nhưng lại ít khởi nghiệp. Người trẻ, vốn là lực lượng có năng lượng đổi mới cao nhất, lại thiếu vốn khởi đầu để tạo ra giá trị mới. Một nghịch lý ngược dòng với tinh thần tiến bộ.

Khi nỗ lực không còn được tưởng thưởng, niềm tin vào công lý xã hội sụp đổ. Chính tầng lớp trung lưu – vốn là xương sống của xã hội hiện đại – đang bị bào mòn tinh thần. Cảm giác bị mắc kẹt giữa trách nhiệm và thiếu cơ hội là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa dân túy trỗi dậy.

Đây không phải vấn đề riêng của Pháp. Tạp chí Economist của Anh đã gọi hiện tượng này là “chủ nghĩa thừa kế” trong số báo ngày 27/2/2025. Theo đó, cư dân các nền kinh tế phát triển năm nay sẽ thừa kế gần 6.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP, so với chỉ 5% vào giữa thế kỷ XX.

Pháp lên kế hoạch tinh giản 1/3 cơ quan hành chính Pháp lên kế hoạch tinh giản 1/3 cơ quan hành chính

bangdatally.xyz - Pháp lên kế hoạch tinh giản 1/3 cơ quan hành chính nhằm giảm chi tiêu và thâm hụt ngân sách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước