Pakistan phóng tên lửa vào Jammu, một thành phố ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 9/5/2025. (Ảnh: Getty Images)
Một loạt các cuộc tấn công quân sự trong tuần qua của Ấn Độ và Pakistan đã khiến hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này tiến gần hơn đến một cuộc đối đầu khó kiểm soát. Khả năng xảy ra một cuộc chiến hạt nhân dường như rất hiện hữu, và giao tranh chỉ dừng lại khi có bàn tay can thiệp của các cường quốc toàn cầu, mà điển hình nhất là Mỹ.
Các chuyên gia nhận định cuộc khủng hoảng này đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa hai quốc gia láng giềng khi cả hai đều vượt qua một ngưỡng mới, với các cuộc đáp trả "ăn miếng trả miếng" bằng tên lửa và máy bay không người lái tốc độ cao. Phản ứng cứng rắn của hai bên đã đưa Kashmir trở lại tâm điểm chú ý toàn cầu, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc tranh chấp dai dẳng mà lâu nay được mô tả là "điểm nóng hạt nhân khu vực."
Paul Staniland, chuyên gia về Nam Á và là Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết bốn ngày giao tranh cho thấy: "Ấn Độ giờ đây cảm thấy có cơ hội đáng kể để trực tiếp tấn công Pakistan, và Islamabad cũng sẵn sàng leo thang đáp trả".
Cuộc tấn công đáp trả hỏa lực của Ấn Độ và Pakistan đã làm hư hại nhiều khu dân cư của cả hai bên. (Ảnh: AP)
Khác với những năm trước, khi các cuộc giao tranh chủ yếu chỉ giới hạn ở Kashmir, trong tuần qua, quân đội hai bên đã bắn tên lửa và máy bay không người lái vào các cơ sở quân sự sâu trong các thành phố của đối phương, đáp trả hỏa lực cùng pháo binh dọc biên giới Kashmir.
Hàng chục người đã thiệt mạng, mỗi bên đều tuyên bố gây thiệt hại lớn cho đối phương, đồng thời cho rằng các cuộc tấn công của mình đã đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Trump ca ngợi "giải pháp hòa bình" cho Kashmir
Cuộc đối đầu quân sự bắt đầu hôm 7/5, khi Ấn Độ xác nhận đã phóng tên lửa vào 9 cơ sở hạ tầng khủng bố ở Pakistan, trong nỗ lực đáp trả vụ tấn công hồi tháng trước làm 26 người chết, chủ yếu là du khách Hindu, tại Kashmir do New Delhi quản lý, một lãnh thổ vùng Himalaya mà cả hai quốc gia đều tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan đã hỗ trợ những kẻ tấn công, một cáo buộc mà Islamabad nhất mực phủ nhận, khẳng định không có bằng chứng nào được chia sẻ.
Cho đến hôm nay, quân đội Ấn Độ vẫn nhấn mạnh họ có thể tiếp tục tấn công Pakistan nếu cảm thấy bị đe dọa, dù hai bên đã nhất trí ngừng bắn. Quân đội Pakistan cũng cảnh báo về bất kỳ hành động vi phạm chủ quyền của đất nước và tuyên bố sẽ đáp trả.
Hồi tháng 2 năm nay, Ấn Độ và Mỹ cam kết củng cố quan hệ song phương trong giai đoạn mới. (Ảnh: Getty Images)
Pakistan và Ấn Độ từng chiến tranh hai lần về Kashmir và viễn cảnh hai bên sở hữu vũ khí hạt nhân lại giao chiến trên vùng lãnh thổ này đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Hôm 10/5, Tổng thống Donald Trump thông báo hai quốc gia đã đồng ý ngừng giao tranh sau các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn đầu. Vào Chủ Nhật, ông Trump một lần nữa đề nghị giúp đỡ và cho biết ông sẽ làm việc để tìm kiếm một "giải pháp" cho cuộc tranh chấp về Kashmir.
Ngày 12/5, Tổng thống Trump tiết lộ ông đã dọa sẽ chấm dứt quan hệ thương mại với cả Ấn Độ và Pakistan như một động lực để cả hai nước láng giềng chấp nhận ngừng bắn vào cuối tuần trước. "Tôi đã nói: Chúng tôi sẽ giao dịch rất nhiều với các bạn. Hãy dừng lại đi. Nếu các bạn dừng lại, chúng ta sẽ giao dịch. Nếu các bạn không dừng lại, chúng ta sẽ không giao dịch gì cả", Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
"Đột nhiên họ nói: Tôi nghĩ chúng tôi sẽ dừng lại", Tổng thống Trump nói thêm.
Pakistan gửi lời cảm ơn Mỹ và người đứng đầu Nhà Trắng vì đã tạo điều kiện cho lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Ấn Độ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về đề nghị hòa giải của ông Trump và chỉ công nhận rằng lệnh ngừng bắn được thiết lập sau các cuộc tiếp xúc quân sự với Pakistan.
Lời đề nghị của ông Trump về Kashmir cũng đã gây ra chỉ trích đối với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, khi khẳng định Kashmir là vấn đề nội bộ của Ấn Độ và phản đối bất kỳ sự can thiệp từ bên thứ ba, lập luận rằng Ấn Độ đang chiến đấu với "chiến tranh ủy nhiệm của Pakistan".
Pakistan nỗ lực quốc tế hóa vấn đề Kashmir
Quan điểm của Pakistan cho rằng việc Kashmir bị chia cắt là một tranh chấp được công nhận quốc tế và phải được giải quyết theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc cũng như nguyện vọng của người dân Kashmir.
Dù tạm thời đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhưng theo giới phân tích, niềm tin giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn rất mong manh. Trong đó, Hiệp ước sông Ấn được xem như "vũ khí" trong căng thẳng Ấn Độ - Pakistan. (Ảnh: PTI)
Michael Kugelman, nhà phân tích về Nam Á, gọi lời đề nghị của Trump là "một chiến thắng ngoại giao đối với Pakistan".
"Một mục tiêu cốt lõi và kiên định trong chính sách đối ngoại của Pakistan là quốc tế hóa vấn đề Kashmir. Và chính xác là điều này đã xảy ra, nhưng nó khiến chính phủ Ấn Độ không hài lòng vì họ giữ một lập trường cứng rắn rằng vấn đề đã được giải quyết và không có gì để thảo luận", ông Kugelman nói.
Trong khi đó, người dân ở cả hai bên biên giới đều thở phào nhẹ nhõm sau lệnh ngừng bắn, nhưng một số người cho rằng hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được nếu vấn đề Kashmir được giải quyết.
Praveen Donthi, nhà phân tích cao cấp của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết: "Hai quốc gia này phải tạo cơ hội cho người Kashmir ngồi vào bàn đàm phán để có một quá trình hòa bình bền vững hơn và giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn. Người dân Kashmir luôn có nhiều thứ để mất hơn khi giới cầm quyền thiếu các cơ chế giải quyết tranh chấp".
Đối với cư dân Kashmir, cuộc tranh chấp này không chỉ là vấn đề giữa Ấn Độ và Pakistan, hay chỉ là vấn đề địa chính trị và ngoại giao, mà còn là vấn đề sinh tồn và hòa bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!