Hãng tin Antara News của Indonesia công bố dữ liệu từ trang mạng theo dõi chất lượng không khí IQAir cho thấy vào sáng 11/5, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Jakarta ở mức 154. Mức này thuộc nhóm "không lành mạnh", với nồng độ bụi mịn PM2.5 là 59,2 microgram/m³.
Mức độ ô nhiễm không khí này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm. Người dân được khuyến cáo luôn đeo khẩu trang khi ở ngoài trời, đóng cửa sổ và bật máy lọc không khí trong nhà.
Trước đó, vào tháng 8/2023, dữ liệu do Công ty Công nghệ chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir công bố cho thấy thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Jakarta liên tục có mặt trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu kể từ tháng 5/2023.
Người dân Jakarta từ lâu đã phàn nàn về không khí độc hại từ giao thông, khói công nghiệp và các nhà máy nhiệt điện than. Một số người dân đã khởi kiện yêu cầu chính phủ hành động để kiểm soát ô nhiễm không khí và thắng kiện dân sự vào năm 2021.
Tòa án vào thời điểm đó đã phán quyết Tổng thống Indonesia Joko Widodo phải thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia để bảo vệ sức khỏe con người. Tuy nhiên, tình hình dường như không được cải thiện nhiều.
Khi được hỏi về vấn đề ô nhiễm của Jakarta, Tổng thống Widodo cho biết giải pháp là chuyển thủ đô của đất nước từ Jakarta đến Nusantara.
Vàng tháng 11/2024, giới chức thành phố Jakarta thông báo chất lượng không khí ở thành phố này ở mức báo động, đồng thời cảnh báo các tác động xấu đến sức khỏe của người dân.
Ứng dụng đo lường chất lượng không khí IQAir thành phố Jakarta ghi nhận ô nhiễm không khí đã vượt ngưỡng quy định. Đặc biệt, chỉ số chất lượng không khí IQAir vào sáng 8/11/2024 ở mức ô nhiễm cao nhất trong 10 ngày. Nồng độ bụi mịn trong không khí hay chỉ số PM2.5 ở Jakarta lên tới 73,5 microgram/m³, cao gấp 14,7 lần giá trị hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Jakarta ngày càng xấu đi là do hiện tượng nắng nóng khô hạn kéo dài và thiếu mưa. Bên cạnh đó, thực trạng quá tải phương tiện giao thông ở thành phố đông dân này cũng được cho là yếu tố gây ra hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng.
Giới chức thành phố Jakarta khuyến cáo người dân hạn chế ra đường và thực hiện các hoạt động ngoài trời trong giờ cao điểm, đồng thời kêu gọi người dân tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng để giảm áp lực giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!