Mái vòm bảo vệ lò phản ứng tại Chernobyl bị hư hại sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào tháng 2/2025. (Ảnh: Guardian)
Theo đánh giá mới đây của các kỹ sư và giới chức Ukraine, vụ tấn công bằng máy bay không người lái Shahed vào ngày 14/2 đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho mái vòm bảo vệ trị giá 1,5 tỷ Euro tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.
Mái vòm khổng lồ trên nhà máy Chernobyl được mệnh danh là tấm lá chắn bất khả xâm phạm, đã bị xuyên thủng bởi một chiếc UAV. Đây là cấu trúc từng được xây dựng để cô lập lò phản ứng số 4 - nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986.
Cuộc tấn công được cho là do UAV bay thấp nhằm tránh radar, đã tạo ra một lỗ thủng rộng 15m² trên mái che bên ngoài và gây cháy âm ỉ kéo dài nhiều tuần ở lớp vật liệu lót bên trong. Đám cháy buộc các kỹ sư phải khoan 200 lỗ nhỏ để bơm nước dập lửa. Theo ông Serhiy Bokov, kỹ sư trưởng tại hiện trường, cảm biến khi đó ghi nhận rung chấn tương đương động đất mạnh cấp 6-7.
Mái vòm khổng lồ trên nhà máy Chernobyl được mệnh danh là tấm lá chắn bất khả xâm phạm, đã bị xuyên thủng bởi một chiếc UAV. (Ảnh: Guardian)
Mái vòm này, mang tên "New Safe Confinement", được hoàn thành năm 2017 và có thiết kế tuổi thọ 100 năm. Tuy nhiên, sự cố lần này khiến mục tiêu đó bị đe dọa, khi lớp bảo vệ bị hở, có nguy cơ để bụi phóng xạ phát tán ra môi trường và nước mưa thấm ngược vào bên trong.
Kỹ sư Mỹ Eric Schmieman - người tham gia thiết kế mái vòm - cho rằng việc khôi phục hoàn toàn sẽ tiêu tốn từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD và kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, quỹ dự phòng quốc tế hiện chỉ có 25 triệu Euro, không đủ để xử lý sự cố. Do đó, Ukraine kỳ vọng các đồng minh phương Tây như Anh, Mỹ hay Đức... sẽ tài trợ thêm.
Một khách sạn bị bỏ hoang ở khu vực cấm gần nhà máy Chernobyl. (Ảnh: Guardian)
Bộ Môi trường Ukraine cũng xác nhận thiệt hại lớn hơn mức ngân sách hiện có. Còn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), đơn vị từng tài trợ xây dựng mái vòm, cho biết đang phối hợp đánh giá kỹ hơn nhưng khẳng định: "thiệt hại là nghiêm trọng".
Phía Nga phủ nhận trách nhiệm, cho rằng đây là hành động "khiêu khích do Kiev dàn dựng". Tuy nhiên, các công tố viên Ukraine kết luận đây có khả năng là một vụ tấn công cố ý do Nga thực hiện.
Theo các chuyên gia của Greenpeace Ukraine, vụ tấn công có thể gây hậu quả kéo dài hàng thập kỷ, khi khu vực này vẫn nằm trong vùng quân sự hóa và công tác xử lý phóng xạ bị cản trở nghiêm trọng.
Những chú ngựa hoang Przewalski ở vùng cấm Chernobyl. Có khoảng 150 con ngựa còn sót lại trong khu vực. (Ảnh: Guardian)
Trước chiến tranh, Chernobyl là điểm đến du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên từ năm 2022, khu vực này bị biến thành mặt trận quân sự. Việc binh sĩ Nga từng đào hầm gần lò phản ứng khiến nguy cơ phát tán phóng xạ gia tăng.
Về phương án sửa chữa, giới chức Ukraine đang lên kế hoạch bịt tạm thời lỗ thủng trên mái. Tuy nhiên, kỹ sư Schmieman cảnh báo: "Càng lên cao, mức phơi nhiễm phóng xạ càng lớn. Phải huấn luyện và luân phiên công nhân theo giới hạn liều lượng an toàn hằng năm".
Một phương án triệt để hơn - nhưng chỉ khả thi trong thời bình - là trượt cả mái vòm trở lại đường ray xây dựng ban đầu để thi công từ xa, tránh tiếp xúc trực tiếp với phóng xạ. Tuy nhiên, đây sẽ là dự án kéo dài nhiều năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!