Căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan sau khi Ấn Độ thực hiện chiến dịch quân sự Sindoor vào sáng sớm 7/5.
Với các đòn đáp trả lẫn nhau và các tuyên bố cứng rắn từ cả hai phía, căng thẳng Ấn Độ - Pakistan được nhận định đang ở mức cao nhất kể từ năm 2019, nguy cơ xảy ra xung đột diện rộng với những hệ lụy khó lường.
Leo thang xung đột Ấn Độ - Pakistan
Ngày 7/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì cuộc họp Nội các liên bang sau Chiến dịch Sindoor do lực lượng vũ trang nước này tiến hành vào sáng sớm cùng ngày. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh các hành động quân sự được tiến hành chừng mực, tương xứng, có trách nhiệm, nhằm vào những cơ sở hạ tầng của các tổ chức khủng bố.
Trước các lo ngại an ninh, Ấn Độ đã nâng mức cảnh báo an toàn hàng không lên cao nhất, yêu cầu tất cả hãng hàng không rà soát và điều chỉnh các hành trình bay nếu cần thiết. Các biện pháp an ninh cũng được siết chặt trên toàn quốc. Bộ Nội vụ Ấn Độ tuyên bố nước này đang ở trong tình trạng cảnh giác cao.
Về phần mình, Ủy ban An ninh quốc gia Pakistan đã họp khẩn tại thủ đô Islamabad. Cơ quan này đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các hành động của Ấn Độ, buộc nước này chịu trách nhiệm theo các chuẩn mực và luật pháp quốc tế.
Lực lượng quân đội Pakistan cũng nhấn mạnh đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan đã khôi phục hoạt động bay tại nhiều thành phố lớn, khuyến cáo hành khách thận trọng và theo dõi các kênh liên lạc để cập nhật thông tin.
Trước những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng về căng thẳng leo thang giữa hai nước láng giềng Nam Á. Liên minh châu Âu kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng. Iran bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng leo thang, kêu gọi cả hai bên kiềm chế.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo chiến dịch quân sự do Ấn Độ thực hiện có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến toàn diện với Pakistan. Tương tự, Đức cho rằng cần ngăn chặn leo thang quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan và cả hai nước cần hành động có trách nhiệm khẩn cấp.
Nhìn lại lịch sử xung đột Ấn Độ - Pakistan
Các động thái đáp trả lẫn nhau giữa Ấn Độ và Pakistan vào ngày 7/5 được nhận định là sự bùng phát mới nhất trong cuộc xung đột giữa hai nước láng giềng vốn đã kéo dài gần 8 thập kỷ qua.
Căng thẳng bắt bùng nổ vào đầu năm 1947, khi Ấn Độ và Pakistan xảy ra xung đột về quyền kiểm soát khu vực Kashmir.
Năm 1965, xung đột bùng phát khi khi quân đội Pakistan tiến vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đáp lại, Ấn Độ phát động cuộc tấn công xuyên biên giới.
Năm 1999, Pakistan và Ấn Độ đối đầu tại khu vực Kargil sau khi binh lính Pakistan xâm nhập vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Năm 2019, sau vụ đánh bom liều chết tại Pulwama khiến nhiều binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, New Delhi tiến hành không kích vào một trại huấn luyện gần thị trấn Balakot, Pakistan. Pakistan đáp trả bằng cách điều máy bay xâm nhập không phận Ấn Độ, dẫn đến một trận không chiến khiến một phi công Ấn Độ bị bắt giữ. Sau vài ngày, phi công này được thả, giúp hạ nhiệt tình hình.
Nguy cơ xung đột lan rộng
Xung đột liên tiếp giữa hai nước cho thấy mức độ căng thẳng dai dẳng và tiềm ẩn nguy cơ leo thang vào bất kỳ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Kashmir vẫn chưa có giải pháp toàn diện. Bất kỳ hành động thiếu kiềm chế giữa hai nước vào thời điểm hết sức nhạy cảm hiện nay đều có thể đẩy căng thẳng vượt tầm kiểm soát, dẫn đến các hệ quả không thể lường trước.
Trang Conversation nhận định dù vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về những gì đã xảy ra, nhưng rõ ràng cả hai bên đều đang tiến gần đến một cuộc xung đột lớn hơn so với những năm trước, thậm chí có thể là nhiều thập kỷ trước. Trang này cảnh báo xét đến việc cả hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân, việc leo thang xung đột thành một cuộc chiến toàn diện sẽ rất nguy hiểm.
Cùng chung nhận định này, Đài ABC trích nhận định của Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman từ Tập đoàn RAND cho rằng cuộc không kích là sự leo thang rất nghiêm trọng trong căng thẳng Ấn Độ - Pakistan, nếu leo thang đến mức cực đoan, có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Điều này sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Pakistan. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng không rõ cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu, nhưng cả hai bên đều có động cơ rõ ràng để đảm bảo nó không vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn tới chiến tranh hạt nhân.
Trang Al Jazeera trích nhận định của chuyên gia phân tích Praveen Donthi cho biết: "Sự leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đã đạt đến quy mô lớn hơn so với cuộc khủng hoảng gần đây nhất vào năm 2019". Chuyên gia này cho rằng Ấn Độ và Pakistan nên lựa chọn ngoại giao với việc chấm dứt các hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn dọc biên giới, cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào tiếp theo cũng đều mang lại những rủi ro không thể chấp nhận được.
Chuyên gia này cũng kêu gọi các quốc gia khác thúc giục Ấn Độ và Pakistan hạ nhiệt căng thẳng, bao gồm cả việc khởi xướng những cuộc đàm phán bí mật và ngăn chặn các hành động "ăn miếng trả miếng" tiếp theo.
Khi hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tiến gần hơn tới bờ vực đối đầu quân sự, mọi động thái - dù là một cuộc không kích hay một tuyên bố chính trị - đều có thể tạo ra phản ứng dây chuyền ngoài tầm kiểm soát. Trong khi cộng đồng quốc tế tích cực kêu gọi kiềm chế và đối thoại, bài học lịch sử cho thấy chỉ có những giải pháp chính trị toàn diện cùng thiện chí thực sự từ cả hai phía mới có thể giúp khu vực Nam Á thoát khỏi vòng lặp xung đột nguy hiểm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!