Một cuộc thử nghiệm máy bay không người lái sợi quang của Ukraine tại tỉnh Donetsk, ngày 23/4/2025. (Ảnh: Kyiv Independent)
Cuộc cách mạng thầm lặng trên bầu trời Ukraine
Từ đầu cuộc chiến toàn diện năm 2022 đến nay, cách thức chiến đấu trên chiến trường Ukraine liên tục thay đổi. Nếu năm 2022 là thời của xe tăng Nga lên ngôi thì năm 2023 là kỷ nguyên của chiến tranh chiến hào kiểu Thế chiến I tại Bakhmut. Năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự trỗi dậy của drone FPV - những chiếc máy bay không người lái tấn công kiểu góc nhìn người thứ nhất.
Nhưng năm 2025 đã mở ra một chương mới: drone sợi quang - vũ khí tưởng chừng đơn giản nhưng đang làm thay đổi toàn bộ cục diện chiến sự.
Khác với các drone truyền thống hoạt động nhờ sóng vô tuyến, vốn dễ bị gây nhiễu bởi các thiết bị tác chiến điện tử, drone sợi quang truyền tín hiệu qua một sợi cáp quang được nối liền từ người điều khiển đến drone. Nhờ đó, chúng gần như miễn nhiễm với mọi nỗ lực phá sóng từ đối phương và không bị giới hạn bởi "chân trời sóng radio".
Một khi sợi cáp không bị đứt giữa chừng, tín hiệu hình ảnh và điều khiển từ người lái sẽ hoàn hảo cho tới khi drone lao thẳng vào mục tiêu.
Máy bay không người lái FPV (góc nhìn thứ nhất) được điều khiển bằng sợi quang được nhìn thấy ở Pokrovsk, Ukraine, ngày 8/4/2025. (Ảnh: Getty Images)
Về cơ bản, drone sợi quang vẫn là loại FPV thông thường với khung sợi carbon, pin gắn trên thân và đầu đạn buộc phía dưới. Điểm khác biệt nằm ở cuộn cáp quang được gắn phía dưới bụng máy bay - một ống trụ nhẹ chứa hàng cây số dây quang siêu nhỏ, được thả ra dần theo chuyển động của drone.
Cơ chế này biến drone thành một loại vũ khí điều khiển qua dây tương tự tên lửa chống tăng TOW mà Mỹ phát triển từ thời Chiến tranh Lạnh.
"Nhờ khả năng điều khiển cực chính xác, hình ảnh rõ nét và bất chấp các hệ thống gây nhiễu từ cả địch lẫn ta, điều không hiếm trong một mặt trận phức tạp với nhiều đơn vị hoạt động chồng lấn như ở Ukraine, người sử dụng có thể điều khiển drone bay vào tận trong nhà kho hay nhà xưởng để quan sát và tấn công mục tiêu bên trong. Cũng nhờ sợi quang, drone hoạt động tốt cả trong rừng rậm hay các địa hình che chắn", chỉ huy đội FPV của trung đoàn Achilles thuộc quân đội Ukraine chia sẻ.
Nga đi trước một bước
Từ lâu, Ukraine được coi là quốc gia tiên phong trong đổi mới công nghệ quân sự, nhờ mạng lưới tình nguyện viên, kỹ sư và sự linh hoạt trong sản xuất, với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, lần này Nga lại là bên dẫn đầu.
Từ năm 2023, khi các giải pháp AI nhằm vượt qua sóng gây nhiễu tỏ ra không ổn định và đắt đỏ, các kỹ sư Nga đã nghĩ đến một hướng đi "cũ mà mới": truyền tín hiệu bằng dây quang.
Kết quả là mẫu drone sợi quang đầu tiên được triển khai hàng loạt trên mặt trận Kursk vào tháng 8/2024. Sản phẩm mang tên Knyaz Vandal Novgorodsky, thuộc chương trình tăng tốc công nghệ quân sự Ushkuinik, do nhà khoa học chính trị Aleksey Chadaev khởi xướng.
Chỉ trong vài tháng, các drone này đã tàn phá toàn bộ mạng lưới hậu cần của Ukraine dọc biên giới Nga. "Chúng tôi không thể tiếp tế, không thể vận chuyển. Mọi tuyến đường đều bị giám sát", một quân y Ukraine tham chiến tại Sudzha kể lại. "Đi qua đó còn nguy hiểm hơn chơi cò quay".
Một máy bay không người lái sợi quang của Nga thuộc mẫu Knyaz Vandal Novgorodsky, bị lực lượng Ukraine bắn hạ ở tỉnh Kursk, Nga, tháng 9/2024. (Ảnh: Telegram)
Đến đầu năm 2025, các đơn vị tinh nhuệ như Rubicon và Sudny Den của Nga, vốn thành thạo sử dụng drone sợi quang, đã chuyển quân đến mặt trận Donetsk, nơi chúng nhanh chóng gây tổn thất lớn cho lực lượng Ukraine ở Pokrovsk và Toretsk.
Không chịu ngồi yên, Ukraine cũng bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất drone sợi quang. Các đơn vị tinh nhuệ như Lữ đoàn Azov (nay được nâng lên cấp quân đoàn) đã đi đầu trong việc thử nghiệm và triển khai công nghệ mới.
Tại một căn nhà nhỏ ở Donetsk, một kỹ sư trẻ có biệt danh "Barbara" đang lắp cánh quạt lên dron FPV, bên cạnh là dãy cuộn cáp quang nhập từ Trung Quốc qua trang thương mại điện tử AliExpress.
"Nay các nhà sản xuất trong nước đã bắt đầu vào cuộc và khá hiệu quả. Có thể chúng tôi mất chút thời gian, nhưng nay đang tăng tốc hết công suất", Barbara cho biết.
Con đường đến biên giới với Nga được phủ lưới để chống lại máy bay không người lái kamikaze FPV (góc nhìn thứ nhất) ở tỉnh Sumy, Ukraine, ngày 4/4/2025. (Ảnh: Getty Images)
Hồi tháng 2, Lực lượng Hệ thống Không người lái Ukraine đã công bố sản phẩm "Silkworm" - một cuộn cáp sợi quang mô-đun có thể sử dụng cả cho drone bay lẫn xe mặt đất.
Tuy nhiên, việc huấn luyện phi công và chuẩn hóa quy trình vẫn là thách thức. "Chúng tôi đang thử nghiệm nhiều loại cáp khác nhau. Hiện chưa có quy trình chuẩn", Skhid - chỉ huy trung đoàn Achilles - thừa nhận.
Tính đến nay, mới chỉ khoảng 10% đơn vị drone Ukraine thực sự làm chủ công nghệ sợi quang. "Khi con số đó tăng lên 90%, cuộc chiến sẽ bước sang một giai đoạn mới", trung tá Kyrylo Veres - chỉ huy lữ đoàn K-2 nổi tiếng - nhận định.
Nhưng trong lúc đó, lợi thế hiện tại của Nga đang khiến phòng tuyến Ukraine gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi mùa hè - giai đoạn tấn công cao điểm đang đến gần.
Những cuộn cáp dài hơn đang được lắp cho drone cỡ lớn, cho phép chúng bay xa tới 15-20 km, vượt xa tầm với của các drone FPV thông thường. Hậu quả là các trung tâm hậu cần vốn nằm sâu phía sau tiền tuyến của Ukraine giờ cũng không còn an toàn.
Tháng 4 vừa qua, drone sợi quang Nga đã bắt đầu tấn công vào thành phố Kostiantynivka - đầu mối hậu cần quan trọng của Ukraine, cách tiền tuyến Toretsk chỉ hơn 10 km.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!