Một số phụ huynh ở New Zealand muốn đặt tên mang tính hoàng gia cho con. (Ảnh: Getty Images)
New Zealand một lần nữa từ chối tất cả các đơn đăng ký đặt tên "King" cho trẻ sơ sinh trong năm qua, tiếp tục giữ vững lệnh cấm đã kéo dài hơn một thập kỷ. Đây là năm thứ 15 liên tiếp tên "King" nằm trong danh sách cấm của nước này, chỉ bị gián đoạn vào năm 2023 khi bị thay thế bởi tên "Prince" - hiện cũng đứng thứ hai trong danh sách từ chối.
Theo Bộ Nội vụ New Zealand, trong tổng số 60.000 trẻ em chào đời năm vừa qua, có 38 tên bị từ chối đăng ký, phần lớn liên quan đến các danh xưng hoàng gia như "King", "Prince", "Princess", "Duke", "Majesty", "Emperor", hay các biến thể như "Kingi", "Kingz", "Prinz", "Prynce" và "Royalty"...
Pháp luật New Zealand quy định tên trẻ sơ sinh không được mang ý nghĩa xúc phạm, không được quá dài, không chứa số hoặc ký hiệu, và không được giống với các chức danh chính thức nếu không có lý do chính đáng.
Đại diện Cơ quan Đăng ký, ông John Crawford-Smith, cho biết các cán bộ xét duyệt còn cân nhắc cách phát âm và phản ứng của cộng đồng đối với tên được đề xuất. Ông nhấn mạnh, "tên là một món quà" và khuyến khích các bậc cha mẹ suy nghĩ cẩn trọng trước khi đặt tên cho con.
New Zealand là một quốc gia quân chủ lập hiến thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh, với Quốc vương hiện tại là Vua Charles III. Không rõ liệu 11 đơn xin đặt tên "King" có nhằm tôn vinh nhà Vua hay không, nhưng tất cả đều bị từ chối.
Ngoài ra, một số tên khác cũng bị cấm vì lý do xã hội như "Sativa" hay "Indica" - vốn là tên các giống cần sa, hoặc "Fanny" - một tên từng phổ biến nhưng nay mang hàm ý không phù hợp trong một số nền văn hóa.
New Zealand không phải quốc gia duy nhất có quy định nghiêm ngặt về tên gọi. Năm 2015, một thẩm phán Pháp cấm đặt tên "Nutella" vì sợ gây tổn thương cho đứa trẻ. Thụy Điển từng từ chối các tên như "Superman", "Metallica" hay một chuỗi ký tự dài vô nghĩa.
Tại Mỹ, tranh cãi liên quan đến tên gọi thường tập trung vào người trưởng thành. Năm 2008, một tài xế xe buýt ở bang Illinois được phép đổi tên thành "In God We Trust", trong khi một tòa án ở New Mexico từ chối đơn xin đổi tên thành cụm từ tục tĩu mang thông điệp phản đối kiểm duyệt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!