Một cây rồng máu mọc cạnh hồ nước tự nhiên trong Khu bảo tồn Homhil trên đảo Socotra, Yemen, ngày 21/9/2024. (Ảnh: AP)
Tại cao nguyên Firmihin, nhìn ra Biển Arab, bà Sena Keybani đang chăm sóc một cây non nhỏ chỉ cao đến mắt cá chân. Đó là cây rồng máu, loài cây đặc hữu của đảo Socotra, nổi bật bởi hình dáng kỳ lạ và khả năng tiết ra nhựa màu đỏ đậm như máu.
Cây rồng máu (tên khoa học: Dracaena cinnabari) là một loài thực vật quý hiếm có hình dáng đặc biệt và nổi tiếng nhờ nhựa cây màu đỏ sẫm như máu, thường được gọi là “huyết rồng”.
Không chỉ độc đáo, cây rồng máu còn đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái khô hạn. Tán cây rộng giúp hứng sương và nước mưa, giữ độ ẩm cho đất, từ đó hỗ trợ sự sống của nhiều loài thực vật xung quanh.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cơn bão nhiệt đới dữ dội và tình trạng dê hoang phá hoại, đang khiến loài cây này suy giảm nghiêm trọng. Theo nghiên cứu, tốc độ sinh trưởng của cây rất chậm, chỉ khoảng 2 đến 3 cm mỗi năm. Khi chưa kịp trưởng thành, cây non đã bị dê ăn mất. Ngoài những khu vực vách đá khó tiếp cận, hầu như không còn thế hệ cây mới.
Những cây rồng máu nhìn từ đỉnh núi cao nhất trên đảo Socotra, Yemen, ngày 19/9/2024. (Ảnh: AP)
Thêm vào đó, các cơn bão lớn trong những năm gần đây đã làm đổ hàng nghìn cây rồng máu cổ thụ. Đáng chú ý, trong năm 2015 và 2018, hai trận bão mạnh liên tiếp đã khiến nhiều cây hàng trăm năm tuổi bị bật gốc. Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, loài cây này có thể biến mất chỉ trong vài thế kỷ tới.
Công tác bảo tồn hiện phụ thuộc chủ yếu vào người dân địa phương. Gia đình bà Keybani đã tự dựng rào chắn để bảo vệ cây non khỏi đàn dê hoang. Tuy nhiên, các hàng rào tạm chỉ trụ được vài năm trước khi hư hỏng vì gió và mưa.
Cây rồng máu trên đảo Socotra, Yemen, ngày 20/9/2024. (Ảnh: AP)
Đảo Socotra được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với hơn 800 loài thực vật, trong đó hơn một phần ba không tồn tại ở nơi nào khác. Cây rồng máu không chỉ là biểu tượng sinh học mà còn là điểm nhấn thu hút khách du lịch. Mỗi năm, khoảng 5.000 du khách tới đảo để chiêm ngưỡng những khu rừng độc đáo. Nếu mất đi loài cây này, ngành du lịch tại đây cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!