Trong ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ, các bác sĩ thực hiện ghép thận trước, sau đó ghép bàng quang, rồi kết nối hai cơ quan này bằng kỹ thuật do chính họ tiên phong phát triển (Ảnh: UCLA)
Các bác sĩ phẫu thuật ở California đã thực hiện thành công ca ghép bàng quang đầu tiên trên thế giới. Người trải qua ca ghép lịch sử này là ông Oscar Larrainzar, 41 tuổi - một người cha có 4 con. Nhiều năm trước, ông Oscar Larrainzar đã phải cắt bỏ phần lớn bàng quang do ung thư. Căn bệnh quái ác không dừng lại ở đó. Sau này, cả hai quả thận của ông cũng bị loại bỏ do ung thư và suy thận giai đoạn cuối, buộc ông phải lọc máu suốt 7 năm.
Ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA (thuộc Đại học California, Los Angeles, Mỹ) do 2 bác sĩ đã nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật thực hiện. Trong ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ hôm 4/5, các bác sĩ đã ghép thành công cho ông cả bàng quang và một quả thận từ người hiến tạng. Đây là bước tiến triển đầy hứa hẹn cho những bệnh nhân khác mắc phải các chứng rối loạn bàng quang nghiêm trọng.
"Đây là thời khắc mang tính lịch sử trong y học, giúp cải thiện cuộc sống cho các bệnh nhân gặp vấn đề về bàng quang. Từ nay, bàng quang có thể được thêm vào danh sách những cơ quan có thể cấy ghép" - Tiến sĩ Inderbir Gill - Giám đốc điều hành Viện Tiết niệu thuộc Đại học Nam California, một trong hai bác sĩ phẫu thuật thực hiện ca phẫu thuật - cho biết.
Theo tuyên bố của UCLA ngày 19/5, đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học, một bàng quang người được cấy ghép hoàn chỉnh và hoạt động tốt trong cơ thể người nhận.
Tiến sĩ Nima Nassiri của Viện Niệu khoa thuộc Đại học California Los Angeles (UCLA) là bác sĩ cùng thực hiện ca phẫu thuật nói trên. Ông chia sẻ: "Nỗ lực đầu tiên trong việc cấy ghép bàng quang này là thành quả của hơn 4 năm nghiên cứu và chuẩn bị. Đối với các bệnh nhân, điều này quả thực hữu ích".
Anh Oscar Larrainzar, 41 tuổi, đã phải cắt bỏ phần lớn bàng quang do ung thư cách đây vài năm (Ảnh: UCLA)
Các bác sĩ thực hiện ghép thận trước, sau đó ghép bàng quang, rồi kết nối hai cơ quan này bằng kỹ thuật do chính họ tiên phong phát triển. Đây là yếu tố then chốt góp phần tạo nên thành công của ca phẫu thuật.
Theo Tiến sĩ Nima Nassiri, ca phẫu thuật cho kết quả khả quan gần như ngay lập tức. Ông nêu rõ: "Thận mới bắt đầu sản xuất một lượng lớn nước tiểu ngay sau khi được ghép và chức năng thận cải thiện rõ rệt. Không cần phải lọc máu sau phẫu thuật và nước tiểu đã được dẫn lưu bình thường vào bàng quang mới".
Các bác sĩ cho biết, trước đây, việc ghép toàn bộ bàng quang người chưa từng được thực hiện, phần lớn do cấu trúc mạch máu phức tạp của vùng chậu khiến kỹ thuật trở nên cực kỳ khó khăn.
Các phương pháp điều trị hiện nay đối với bệnh nhân cần tái tạo bàng quang thường bao gồm tạo bàng quang nhân tạo từ một phần ruột hoặc đặt ống thông tiểu. Tuy nhiên, những phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn, trong đó có nhiễm trùng và các vấn đề về tiêu hóa. Điều này khiến các bác sĩ trên khắp thế giới tìm kiếm các kỹ thuật ghép bàng quang trong nhiều năm. Với kỹ thuật ghép bàng quang hoàn chỉnh, các bác sĩ hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế này, mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân.
Hiện tại, các bác sĩ cho biết tình trạng hồi phục của bệnh nhân Larrainzar "đạt kỳ vọng", tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa biết trước. Ví dụ, bàng quang mới của Larrainzar sẽ hoạt động như thế nào theo thời gian và anh ấy sẽ cần dùng thuốc ức chế miễn dịch trong bao lâu để ngăn ngừa tình trạng đào thải của bàng quang mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!