Một con ốc sên Powelliphanta augusta đang đẻ trứng từ cổ tại cơ sở nuôi ốc sên Hokitika, ngày 18/9/2024, tại Hokitika, New Zealand. (Ảnh: AP)
Cơ quan bảo tồn của New Zealand lần đầu tiên công bố đoạn video ghi lại cảnh một con ốc sên Powelliphanta augusta - loài ăn thịt khổng lồ và quý hiếm của nước này - đẻ trứng từ vùng dưới đầu, tức khu vực cổ. Quả trứng được mô tả giống như một quả trứng gà nhỏ.
Đoạn video được quay tại một cơ sở bảo tồn trên bờ Tây đảo Nam, nơi các nhân viên đã chăm sóc loài ốc này suốt gần hai thập kỷ trong các buồng lạnh mô phỏng điều kiện khí hậu vùng núi cao - nơi từng là môi trường sống duy nhất của chúng, trước khi bị hoạt động khai thác mỏ xâm lấn.
Chuyên gia Lisa Flanagan thuộc Bộ Bảo tồn New Zealand, người đã làm việc với loài ốc này suốt 12 năm qua, cho biết đây là lần đầu tiên họ tận mắt chứng kiến một cá thể đẻ trứng, dù đã chăm sóc hàng nghìn con suốt nhiều năm.
Powelliphanta augusta là loài lưỡng tính, sử dụng một lỗ sinh dục nằm bên phải, ngay dưới đầu, để vừa trao đổi tinh trùng, vừa lưu trữ chúng và sau đó tạo thành trứng. Một con ốc phải mất tới 8 năm để trưởng thành sinh sản, sau đó chỉ đẻ khoảng 5 trứng mỗi năm, và mỗi trứng có thể mất hơn một năm để nở.
"Hiện có một số cá thể trong khu nuôi dưỡng đã sống từ 25 đến 30 năm", bà Flanagan chia sẻ. "Chúng hoàn toàn trái ngược với loài ốc vườn gây hại - sinh sản bùng nổ và sống ngắn ngủi như cỏ dại".
Powelliphanta augusta là một trong hàng chục loài ốc Powelliphanta chỉ có tại New Zealand, thường sống ở rừng rậm và vùng đồng cỏ hiểm trở. Chúng có vỏ lớn với màu đất độc đáo và hoa văn xoắn ốc, chuyên ăn giun đất như... mỳ sợi.
Loài ốc này từng trở thành tâm điểm tranh cãi chính trị vào đầu những năm 2000, khi một dự án khai thác than đe dọa phá hủy hoàn toàn môi trường sống của chúng. Khoảng 4.000 cá thể đã được di dời, 2.000 con khác được giữ trong môi trường lạnh tại Hokitika. Tuy nhiên, năm 2011, khoảng 800 con đã chết do lỗi điều chỉnh nhiệt độ.
Hiện nỗ lực bảo tồn vẫn tiếp tục. Theo số liệu cập nhật đến tháng 3 năm nay, có gần 1.900 cá thể Powelliphanta augusta và hơn 2.200 trứng đang được chăm sóc trong điều kiện nuôi nhốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!