Vụ việc dù xảy ra cách đây gần 1 tháng, diễn ra trong vòng 14 tiếng đồng hồ nhưng vẫn thu hút sự quan tâm dõi theo của hơn 60 triệu người dân ở khu vực bị ảnh hưởng. Sự cố mất điện trên diện rộng này đã trở thành tâm điểm không chỉ của Chính phủ Tây Ban Nha mà ở cả cấp độ châu Âu đối với vai trò của năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng.
Gần một tháng sau vụ mất điện ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà và Pháp, nhiều nhóm chuyên gia hàng đầu đến từ hơn 12 nước châu Âu vẫn chưa xác định được đâu là nguyên nhân gây ra vụ việc.
Giáo sư Keith Bell - chuyên gia hệ thống điện thuộc Đại học Strathclyde, Scotland - cho biết: "Có thể là nguồn điện, máy phát điện bị ngắt, có thể là do một số vấn đề kỹ thuật. Có khả năng là một nhánh của mạng bị ngắt, do chập mạch liên quan đến thời tiết. Khi những điều này xảy ra quá nhanh, người vận hành hệ thống không thể làm gì được".
Việc đưa ra nhiều giả thuyết nhưng không xác định được nguyên nhân cụ thể đã khiến công chúng châu Âu chỉ trích nhà chức tránh đề cập việc mất điện là vì thiếu "quán tính lưới điện", hay tỷ lệ sản xuất điện từ nhiên liệu hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu điện năng của Tây Ban Nha tương đối nhỏ. Điện từ nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời quá lớn, chiếm 43% tổng sản lượng.
Một trạm tàu điện ngầm ở Madrid, Tây Ban Nha đóng cửa trong thời gian mất điện vào ngày 28/4 (Ảnh: Euronews)
Bà Paula Pinho - người phát ngôn của Ủy ban châu Âu - phát biểu: "Chúng tôi đang làm việc rất chặt chẽ, không chỉ với các nhà điều hành hệ thống truyền tải quốc gia mà còn với các nhà điều hành hệ thống truyền tải châu Âu. Và chúng tôi đã xem xét rất kỹ lưỡng lý do, chúng tôi đã chuẩn bị và đúc rút những bài học có thể từ sự cố này".
Theo số liệu của hàng loạt tổ chức nghiên cứu chuyên ngành điện tại châu Âu, 7,2 tỷ Euro năng lượng tái tạo đã bị lãng phí ở 7 nước châu Âu vào năm 2024 vì lưới điện không thể đáp ứng được. Tại Đức, đã có tới 3,3 tỷ Euro điện gió và điện mặt trời bị cắt giảm. Ở Tây Ban Nha, con số này có thể lên tới 2,5 tỷ Euro. Hơn 1.700 gigawatt năng lượng tái tạo ở 16 quốc gia châu Âu đang chờ được kết nối vào lưới điện.
Bà Juliet Phillips - nhà vận động năng lượng tại Beyond Fossil Fuels - nói: "Chính phủ các nước châu Âu cần khẩn trương loại bỏ những kịch bản lỗi thời dựa trên các mục tiêu và giả định cũ về thị trường điện khỏi hệ thống quy hoạch. Qua đó, các nhà điều hành lưới điện có thể kết nối các dự án năng lượng tái tạo".
Đến nay, đã có 13 quốc gia đặt mục tiêu phát triển một lưới điện hoàn toàn không phát thải carbon vào năm 2035. Tuy nhiên, mới chỉ có chỉ có 4 nhà điều hành lưới điện tại Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Litva lập kế hoạch nâng cấp hệ thống lưới điện để đáp ứng mục tiêu này. Hệ thống lưới điện đã lỗi thời đang có nguy cơ làm chệch hướng quá trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch tại châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!