Hành tinh song sinh có điểm tương đồng với Trái Đất theo cách đầy bất ngờ

PV (t/h)-Chủ nhật, ngày 18/05/2025 14:51 GMT+7

Núi lửa nơi hành tinh song sinh của Trái Đất - (Ảnh: NASA)

bangdatally.xyz - Người anh em song sinh "phản diện" của Trái Đất đã đi theo một con đường khác để sở hữu một số đặc điểm giống với thế giới của chúng ta.

Một nghiên cứu mới do Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA đã mang đến những phát hiện thú vị về lớp vỏ của Sao Kim - hành tinh được mệnh danh là "chị em sinh đôi" của Trái Đất. Dù hai hành tinh có điểm khởi đầu tương đồng, nhưng theo thời gian, Sao Kim lại phát triển theo hướng hoàn toàn khác, trở thành một thế giới khắc nghiệt như "địa ngục".

Tuy vậy, khả năng tồn tại của sự sống trên Sao Kim vẫn là đề tài được nhiều nhà khoa học quan tâm. Một số bằng chứng đã chỉ ra rằng hành tinh này có thể không hoàn toàn "chết", trái với những suy đoán trước đây.

Theo NASA, giới nghiên cứu từng tin rằng lớp vỏ ngoài của Sao Kim sẽ dần trở nên dày hơn theo thời gian, do hành tinh này thiếu cơ chế để làm mỏng lớp vỏ - cụ thể là quá trình đẩy lớp đá trở lại vào sâu bên trong như trên Trái Đất.

Trên Trái Đất, lớp vỏ được chia thành nhiều mảng kiến tạo lớn di chuyển rất chậm. Khi các mảng này va chạm, mảng nhẹ hơn thường bị đẩy lên trên, còn mảng nặng hơn chìm xuống lớp phủ bên dưới - một hiện tượng gọi là "sự hút chìm". Cơ chế này giúp điều hòa độ dày lớp vỏ Trái Đất và góp phần tạo ra núi lửa. Khi các lớp đá bị hút chìm, chúng trải qua áp suất và nhiệt độ cao, dẫn đến sự biến đổi gọi là "biến chất" - một yếu tố quan trọng gây ra hoạt động địa chất mạnh mẽ.

Hành tinh song sinh có điểm tương đồng với Trái Đất theo cách đầy bất ngờ - Ảnh 1.

(Ảnh: Getty Images)

Trái lại, lớp vỏ Sao Kim từ lâu được cho là tồn tại như một khối rắn thống nhất, không có dấu hiệu của chuyển động kiến tạo mảng hay sự hút chìm tương tự Trái Đất.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Justin Filiberto - Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu vật liệu thiên văn và Khám phá khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA, đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu đã phát hiện rằng lớp vỏ Sao Kim thực ra không dày như người ta từng nghĩ. Trung bình, lớp vỏ chỉ dày khoảng 40 km, và nơi dày nhất cũng chỉ đạt 65 km. "Điều này thật sự gây ngạc nhiên, đặc biệt là khi xét đến điều kiện cực đoan trên hành tinh này" - TS Filiberto chia sẻ.

Bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết, các mô hình mô phỏng mới cho thấy một cơ chế bất ngờ: Khi lớp vỏ trở nên dày hơn, phần đáy của nó trở nên quá nặng và đặc, đến mức có thể bị vỡ rời và rơi vào lớp phủ, hoặc nóng chảy do nhiệt độ cao.

Dù không có sự chuyển động mảng rõ ràng như ở Trái Đất, quá trình này cho thấy lớp vỏ Sao Kim vẫn trải qua hiện tượng biến chất - một dạng hoạt động địa chất quan trọng.

Phát hiện này là một bước tiến đáng kể trong việc hiểu rõ hơn về các quá trình địa chất và lịch sử tiến hóa của Sao Kim.

Việc lớp đá ở đáy lớp vỏ bị vỡ ra hoặc nóng chảy không chỉ giúp đưa các nguyên tố, bao gồm cả nước, quay trở lại bên trong hành tinh, mà còn có thể sinh ra dung nham và thúc đẩy các vụ phun trào núi lửa.

Kết quả nghiên cứu này góp phần giải mã những câu hỏi còn bỏ ngỏ về mối liên hệ giữa cấu trúc địa chất, lớp vỏ và khí quyển của Sao Kim - một hành tinh vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Đồng thời, nó mở ra hy vọng rằng "người chị em sinh đôi" của Trái Đất không hoàn toàn khô cằn và chết chóc như hình ảnh mà chúng ta từng hình dung.

Phát hiện hành tinh lạnh giá trong 'vùng cấm' của vũ trụ Phát hiện hành tinh lạnh giá trong "vùng cấm" của vũ trụ

bangdatally.xyz - Trong khi các hành tinh khác bị hủy diệt trong quá trình sao mẹ của chúng tiến hóa thành sao lùn trắng, WD 1856+534b lại không hề hấn gì dù nằm trong "vùng cấm".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước