Nhiều địa phương của Hàn Quốc đang mở rộng chính sách hỗ trợ, từ trợ cấp sinh con sang hỗ trợ kết hôn - bao gồm cả chi phí hẹn hò, đính hôn và tuần trăng mật.
Cụ thể, tại quận Saha của thành phố Busan, chính quyền cam kết chi tới 20 triệu Won (tương đương 14.700 USD, khoảng 380 triệu đồng) cho các cặp đôi tham gia chương trình mai mối do quận tổ chức và tiến đến hôn nhân. Ngoài ra, họ còn nhận được 500.000 Won cho chi phí hẹn hò, 1 triệu Won cho lễ ra mắt hai bên gia đình và 10 triệu won hỗ trợ đi du lịch trăng mật.
"Mục tiêu của chương trình là góp phần ứng phó với cuộc khủng hoảng tỷ lệ sinh thấp và tình trạng dân số địa phương sụt giảm" - một quan chức quận cho biết, đồng thời tiết lộ rằng chưa có cặp đôi nào nhận trọn gói hỗ trợ này.
Nhiều địa phương khác trên khắp Hàn Quốc cũng đang triển khai những sáng kiến tương tự. Tại huyện Geochang (tỉnh Nam Gyeongsang), các cặp vợ chồng mới cưới trong độ tuổi từ 19 - 45, nếu sinh sống tại đây ít nhất 3 tháng sẽ nhận được 600.000 Won mỗi năm trong vòng 3 năm.
Huyện Hadong đã nâng mức hỗ trợ kết hôn từ 5 triệu Won lên 6 triệu Won. Các địa phương khác như Goseong, Uiryeong và Miryang cũng đang chi từ 1 triệu Won đến 2 triệu Won cho các cặp đôi mới cưới.
Xu hướng này không chỉ giới hạn ở các vùng nông thôn. Thủ đô Seoul - nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước (chỉ 0,58 con/phụ nữ vào năm 2024) - sẽ áp dụng chương trình Quỹ khởi đầu hôn nhân trị giá 1 triệu Won cho các cặp vợ chồng mới đăng ký kết hôn, bắt đầu từ tháng 10.
Tỉnh Gyeonggi cũng sẽ triển khai hỗ trợ tương tự cho các cặp đôi trẻ trong độ tuổi từ 19 đến 39, bắt đầu từ tháng 6. Tại một số khu vực, mức hỗ trợ còn hào phóng hơn. Huyện Sunchang (tỉnh Bắc Jeolla) trao 10 triệu Won cho các cặp vợ chồng mới cưới sống tại đây ít nhất một năm, chia đều trong 4 năm.
Thành phố Gimje và huyện Jangsu đã duy trì các chương trình tương tự từ năm 2020 và 2018. Huyện Hwasun (tỉnh Nam Jeolla) và huyện Yeongdong (tỉnh Bắc Chungcheong) cũng phát hỗ trợ 10 triệu Won chia làm nhiều đợt trong vòng 5 năm.
Dù số lượng chương trình tăng lên đáng kể, hiệu quả thực tế vẫn là dấu hỏi lớn. Tại thành phố Jinju (tỉnh Nam Gyeongsang), hơn 4.000 cặp đôi đã nhận khoản hỗ trợ kết hôn 500.000 Won kể từ năm 2021, nhưng tỷ lệ kết hôn không thay đổi rõ rệt.
Huyện Jangsu - nơi duy trì gói hỗ trợ 10 triệu Won trong suốt 8 năm - cũng ghi nhận tỷ lệ kết hôn giảm, ngoại trừ giai đoạn tăng nhẹ vào năm 2023 - 2024.
Giới chuyên gia cảnh báo các chính sách hỗ trợ kết hôn này có thể đi vào “vết xe đổ” của các chương trình thưởng sinh con trước đây - vốn tiêu tốn nhiều ngân sách nhưng không thể đảo ngược đà giảm tỷ lệ sinh. Theo đó, các chuyên gia lo ngại rằng việc "bơm tiền" không đủ để giải quyết tận gốc vấn đề dân số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!