Binh sĩ Lữ đoàn Tấn công số 3 Ukraine gác trong buổi huấn luyện tại Kharkov, ngày 14/5/2025. (Ảnh: AFP)
Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch "Tái vũ trang châu Âu" với tổng giá trị 800 tỷ Euro nhằm tăng cường năng lực quốc phòng và hỗ trợ Ukraine. Trong đó, 150 tỷ Euro sẽ được cung cấp dưới dạng các khoản vay (còn gọi là dự án SAFE) để giúp các quốc gia thành viên đầu tư vào quân sự và mua sắm thiết bị quốc phòng.
Ủy viên quốc phòng EU Andrius Kubilius đánh giá chương trình cho vay trị giá 150 tỷ Euro vừa được khối phê duyệt là "bước đột phá quan trọng" trong nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Kubilius cho biết nhiều quốc gia thành viên dự kiến sẽ đăng ký vay. Các khoản vay sẽ phục vụ việc mua sắm quốc phòng chung giữa các nước EU và Ukraine. Sau khi được phê chuẩn chính thức vào tuần tới, các nước sẽ có 6 tháng để xây dựng kế hoạch chi tiết cho các dự án quốc phòng.
Bên cạnh đó, các công ty quốc phòng Anh cũng sẽ có thêm cơ hội tham gia vào các dự án trong khuôn khổ SAFE nhờ thỏa thuận an ninh EU - Anh vừa được ký đầu tuần. Tuy nhiên, London không có kế hoạch tiếp cận nguồn vay vì chương trình này chỉ dành cho các nước thành viên EU.
Binh sĩ Ukraine diễn tập tại thao trường ở vùng Zaporizhzhia, ngày 22/5/2025. (Ảnh: AP)
Ông Kubilius nhận định việc hợp tác với Anh mang ý nghĩa chiến lược, nhất là khi châu Âu đối mặt với các thách thức từ Nga và viễn cảnh Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho rằng: "Không thể xây dựng kiến trúc an ninh châu Âu nếu thiếu Anh hoặc Ukraine".
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tính đến thời điểm tròn ba năm kể từ khi xung đột toàn diện bùng phát, châu Âu đã viện trợ 62 tỷ Euro quân sự và 70 tỷ Euro hỗ trợ tài chính cho Ukraine, gần tương đương mức 64 tỷ USD và 50 tỷ USD từ phía Mỹ.
Viện này ước tính châu Âu cần chi thêm 0,21% GDP để bù đắp phần viện trợ Mỹ ngừng lại, thay vì mức 0,1% hiện tại. Ông Kubilius cho rằng việc tăng thêm này là "có thể chấp nhận" và sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia.
Dù vậy, một số nước như Pháp, Italy và Tây Ban Nha vẫn tỏ ra thận trọng, do nợ công cao và từng viện trợ ít cho Ukraine. Điều này khiến giới chức EU lo ngại khối có thể không đạt mục tiêu 800 tỷ Euro đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!