Ngày 20/5, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bật đèn xanh cho việc dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Syria nhằm giúp quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này phục hồi sau khi cựu Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu - bà Kaja Kallas, các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của khối đang xem xét một quyết định chính trị nhằm dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế trong khi vẫn duy trì các lệnh trừng phạt liên quan đến chế độ của Tổng thống bị phế truất al-Assad và đưa ra các biện pháp chống lại những hành động vi phạm nhân quyền.
Các đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về động thái này, dự kiến sẽ được Ngoại trưởng các nước chính thức công bố trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) sau đó cùng ngày.
Quyết định của EU được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo vào tuần trước rằng Washington sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Syria.
Hôm 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết Ngoại trưởng Marco Rubio đã gặp người đồng cấp Syria Asaad Hassan al-Shaibani tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp mang tính lịch sử với Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa tại Saudi Arabia vào ngày 14/5.
Người dân tại một khu chợ ở Damascus, Syria (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định Washington ủng hộ việc nới lỏng các lệnh trừng phạt để ổn định Syria. Ông Rubio hoan nghênh lời kêu gọi hòa bình với Israel của Chính phủ ở Damascus, các nỗ lực chấm dứt ảnh hưởng của Iran tại Syria, cam kết xác định số phận của công dân Mỹ mất tích hoặc thiệt mạng tại nước này và loại bỏ mọi vũ khí hóa học.
Ngoại trưởng Rubio cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền con người của tất cả người dân Syria bất kể dân tộc hay tôn giáo.
Trước đó, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas đã đề xuất các biện pháp nhằm nới lỏng hơn nữa lệnh trừng phạt Syria, qua đó cho phép tài trợ cho các bộ của nước này trong các lĩnh vực như tái thiết và di cư. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết ông sẽ ra lệnh dỡ bỏ trừng phạt Syria.
Trong đề xuất mới, EU sẽ cho phép các quốc gia thành viên cấp kinh phí cho Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ của Syria để hợp tác trong những lĩnh vực như tái thiết, xây dựng năng lực, chống khủng bố và di cư.
Đề xuất mới cũng sẽ dỡ bỏ trừng phạt đối với Ngân hàng Thương mại Syria nhưng vẫn duy trì hạn chế đối với những cá nhân có quan hệ với chính quyền dưới thời Tổng thống bị lật đổ al-Assad. Các quan chức châu Âu cũng đang thảo luận về việc có nên dỡ bỏ trừng phạt đối với Ngân hàng trung ương Syria hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!