Theo các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ), tính đến đầu tháng 5, dịch tả tại Angola đã khiến gần 600 người thiệt mạng và hơn 18.000 người nhiễm bệnh.
Bộ Y tế Angola và các đối tác, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã ứng phó với dịch bệnh bằng cách phát hiện nhanh các ca mắc, triển khai đội phản ứng khẩn cấp và huy động sự tham gia của cộng đồng. "Chúng tôi đi khắp nơi với loa phóng thanh, kêu gọi mọi người làm những gì có thể để loại bỏ dịch bệnh này" - giám sát viên mạng lưới Thúc đẩy Sức khỏe António Catunda cho biết.
Một chiến dịch tiêm chủng đã được triển khai vào tháng 2 tại Angola giúp khoảng 1 triệu người được tiếp cận vaccine phòng bệnh tả.
Mặc dù đã có những biện pháp ứng phó với dịch bệnh, Angola vẫn ghi nhận tỷ lệ tử vong là 3,2%, cao hơn nhiều so với mức dưới 1% theo tiêu chuẩn của WHO để đánh giá hiệu quả điều trị tại các cơ sở y tế cũng như công tác quản lý và chăm sóc bệnh nhân đầy đủ, kịp thời.
Đợt bùng phát dịch bệnh lần này khiến các nhân viên y tế làm việc liên tục. "Chúng tôi cũng muốn nghỉ ngơi nhưng chúng tôi không thể. Kể từ ngày 13/1, khi chúng tôi bắt đầu chiến đấu với dịch bệnh, chúng tôi đã làm việc liên tục. Chúng tôi là đội phản ứng nhanh, chúng tôi sẽ không dừng lại công việc của mình cho đến khi dịch bệnh kết thúc" - một nhân viên y tế chia sẻ.
Đợt bùng phát dịch tả lần này đã ảnh hưởng đến tất cả mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người dưới 20.
Trước đó, năm 2006, Angola từng có đợt bùng phát dịch tả trên diện rộng khiến hơn 2.700 người tử vong. Kể từ đó, quốc gia Trung Phi này liên tục đối mặt với các đợt bùng phát dịch tả, đặc biệt là vào mùa mưa.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 178.000 ca mắc bệnh tả đã được ghi nhận ở miền Đông và miền Nam châu Phi từ tháng 1/2024 đến tháng 3/2025, trong đó Nam Sudan và Angola đối mặt các đợt bùng phát nghiêm trọng nhất.
Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm phát triển nhanh, dễ lây lan, gây tiêu chảy nặng, dẫn đến mất nước nghiêm trọng và có thể tử vong trong vài giờ nếu không được điều trị. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thông qua việc ăn phải thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!