Pahalga là một khu vực tại Kashmir do Ấn Độ quản lý.
Đây là vụ tấn công tồi tệ nhất vào dân thường ở Ấn Độ trong gần 2 thập kỷ qua. Ấn Độ cáo buộc Pakistan có liên quan tới vụ tấn công khủng bố này.
Ấn Độ hạ cấp quan hệ với Pakistan sau vụ tấn công ở Kashmir
Ấn Độ vào ngày 24/4 đã đóng cửa Attari-Wagah - cửa khẩu biên giới đất liền duy nhất với Pakistan. Do không có chuyến bay trực tiếp nào hoạt động giữa hai nước, động thái này đã cắt đứt mọi tuyến giao thông giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ngoài ra, Ấn Độ tuyên bố đình chỉ hiệu lực của Hiệp ước Nước sông Ấn ký với Pakistan từ năm 1960, qua đó sẽ từ chối chia sẻ nguồn nước với Pakistan. Ấn Độ tuyên bố trục xuất tất cả các tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Pakistan ở New Delhi, đồng thời rút các đại diện tương ứng của mình tại Islamabad về nước.
Số lượng nhân viên ngoại giao của mỗi bên sẽ giảm từ 55 xuống còn 30 người kể từ ngày 1/5. Những người Pakistan hiện diện tại Ấn Độ theo diện thị thực miễn trừ (SAARC) bị yêu cầu rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố: "Bất kỳ ai thực hiện cuộc tấn công này và những kẻ đã lên kế hoạch sẽ phải trả giá đắt hơn cả sức tưởng tượng của họ. Bất kỳ vùng đất nhỏ bé nào mà những tên khủng bố này có, đã đến lúc phải san phẳng chúng thành tro bụi. Ý chí của 1,4 tỷ người dân Ấn Độ sẽ bẻ gãy xương sống của bọn khủng bố này".
Nhằm đáp trả, Pakistan hôm 24/4 đã quyết định đóng cửa biên giới, hủy bỏ các hoạt động thương mại và đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành.
Văn phòng Thủ tướng Pakistan cũng cho biết các tùy viên quốc phòng, hải quân và không quân của Ấn Độ được yêu cầu rời khỏi Pakistan ngay lập tức. Ngoài ra, thị thực đã cấp cho công dân Ấn Độ sẽ bị hủy bỏ, ngoại trừ những người hành hương Ấn Độ viếng thăm đền thờ đạo Sikh tại Pakistan.
Xung đột Ấn Độ - Pakistan là cuộc đối đầu kéo dài, nguy hiểm, mang cả màu sắc tôn giáo. Điểm nóng xung đột là tại Kashmir - vùng đất tranh chấp tại biên giới hai nước. Các vụ bạo lực, khủng bố, đáp trả ngoại giao và quân sự liên tục xảy ra tại Kashmir, đẩy hai nước vào tình trạng căng thẳng thường trực.
Kashmir - điểm nóng xung đột giữa hai nước láng giềng Ấn Độ và Pakistan
Ông Ghulam Ahmad (66 tuổi) là một nông dân sinh sống tại làng Hunderman, gần khu vực tranh chấp Kashmir. Ông đã xa cha mẹ khi còn là một thiếu niên trong cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tranh chấp tại Kashmir đã dẫn tới 3 cuộc chiến tranh lớn giữa Ấn Độ và Pakistan vào các năm 1947, 1965 và 1971, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Ông Ghulam Ahmad - người dân Ấn Độ - cho biết: "Cả bố và mẹ tôi đều bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh vào năm 1971. Một năm sau, tôi nhận được một lá thư về cái chết của mẹ tôi. Mẹ và cha tôi đều đã qua đời trong chiến tranh".
Trong khung cảnh những gì còn sót lại tại ngôi làng Hunderman, dấu vết của các cuộc đụng độ giữa hai nước vẫn còn đó, ông Mohammad Baqir - cư dân làng Hunderman - chia sẻ: "Chúng tôi sống trong sợ hãi 24 giờ mỗi ngày về một cuộc chiến tranh đang rình rập. Chúng tôi sợ lắm. Cho đến nay tôi vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một giải pháp lâu dài. Và nhìn vào sự hiện diện của quân đội, rõ ràng là không có hy vọng nào".
Ấn Độ đã đổ lỗi cho Pakistan về vụ tấn công của phiến quân khiến 26 người thiệt mạng ở Kashmir, khu vực do Ấn Độ kiểm soát, đồng thời đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm đáp trả.
Kashmir là vùng đất với người dân đa dạng về sắc tộc, có cả người theo đạo Hồi giống như ở Pakistan lẫn theo đạo Hindu như ở Ấn Độ. Hiện Ấn Độ kiểm soát khoảng 2/3 diện tích Kashmir. Pakistan kiểm soát 1/3 còn lại.
Đường Kiểm soát (LoC) là ranh giới phân chia thực tế giữa Ấn Độ và Pakistan tại khu vực Kashmir - luôn được quân đội hai nước canh phòng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nơi đây cũng thường xuyên xảy ra các vụ tấn công khủng bố, đụng độ vũ trang, trả đũa qua lại giữa quân đội hai nước.
Ông Michael Kugelman - nhà phân tích chính sách đối ngoại - cho biết: "Một trong những nguy cơ có thể là việc đình chỉ, nếu không muốn nói là chấm dứt hoàn toàn lệnh ngừng bắn dọc theo Đường Kiểm soát (LoC) ở khu vực biên giới tranh chấp Kashmir, khi Ấn Độ cân nhắc một loạt các phản ứng và trả đũa sau vụ tấn công khủng bố lần này".
Tranh chấp lãnh thổ cùng những mâu thuẫn về tôn giáo khiến Kashmir - khu vực bất ổn mà cả Ấn Độ - Pakistan đều tuyên bố chủ quyền - luôn như một "quả bom nổ chậm" trong mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này.
Ấn Độ và Pakistan đều có tiềm lực quân sự lớn. Cả hai nước đều nằm trong nhóm các quốc gia ít ỏi sở hữu vũ khí hạt nhân. Cộng đồng quốc tế đang kêu gọi hai bên kiềm chế, không để các động thái trừng phạt ngoại giao có nguy cơ trở thành bùng phát xung đột quân sự.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!