Phía Iran đã đáp lời sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo thực hiện một cuộc tấn công chưa từng có nhằm vào Iran nếu nước này không chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân.
Căng thẳng hạt nhân Mỹ - Iran leo thang
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo rằng Tehran sẽ trả đũa nếu bị Mỹ tấn công.
Ông Ayatollah Ali Khamenei phát biểu: "Họ đe dọa tấn công chúng ta, điều mà chúng ta không nghĩ là có khả năng xảy ra. Nhưng nếu họ gây ra bất kỳ hành vi phá hoại nào, họ chắc chắn sẽ nhận được đòn đáp trả mạnh mẽ".
Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Từ năm 2022, Iran từng tuyên bố họ sở hữu kỹ thuật chế tạo bom hạt nhân nhưng chưa có kế hoạch thực hiện điều đó. Tuy nhiên, những tuyên bố mới nhất cho thấy Iran sẵn sàng thay đổi điều này.
Ông Ali Larijani - Cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei - cho biết: "Iran có khả năng và năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, sắc lệnh của nhà lãnh đạo Ali Khamenei là chúng tôi sẽ không hướng tới sản xuất loại vũ khí này. Nhưng nếu làm điều gì sai trái trong vấn đề hạt nhân của Iran, anh sẽ buộc Iran phải tiến tới điều đó vì để tự vệ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (Ảnh: AP)
Đây là những lời đáp trả Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ tiến hành biện pháp quân sự và áp thuế thứ cấp đối với Iran nếu Tehran không đạt được thỏa thuận mới với Washington về chương trình hạt nhân của nước này.
Tổng thống Donald Trump cảnh báo: "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về thuế quan thứ cấp đối với Iran dựa trên việc họ có thực hiện thỏa thuận hay không. Tôi không nghĩ họ có thể làm bất cứ điều gì khác ngoài việc thực hiện một thỏa thuận".
Các cuộc đàm phán giữa hai bên vẫn đang bế tắc do lập trường cứng rắn của cả Mỹ và Iran.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau những "lời qua tiếng lại" giữa hai bên đang đặt tương lai các cuộc đàm phán hạt nhân trở nên bấp bênh. Tehran khẳng định sẽ không đàm phán với Washington trong điều kiện bị áp đặt áp lực tối đa.
Bế tắc đàm phán thỏa thuận hạt nhân
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết Tehran vẫn để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp với Mỹ.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nói: "Các cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ đã bị từ chối. Nhưng những cuộc đàm phán gián tiếp vẫn có thể tiếp tục. Chúng tôi không tránh né các cuộc đàm phán. Nhưng những vi phạm thỏa thuận trong quá khứ đã gây ra nhiều vấn đề cho chúng tôi. Người Mỹ phải chứng minh rằng họ có thể tạo dựng lòng tin".
Vào tháng 3 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Lá thư yêu cầu Iran chấm dứt chương trình hạt nhân, ngừng làm giàu urani và ngừng hỗ trợ các nhóm vũ trang như Hezbollah và Houthi. Đổi lại, Mỹ sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và chấm dứt tình trạng cô lập quốc tế đối với Tehran. Lá thư đặt ra thời hạn 2 tháng để Iran tuân thủ các yêu cầu hoặc bắt đầu đàm phán. Nếu không, Mỹ cảnh báo sẽ sử dụng biện pháp quân sự.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định Tehran vẫn để ngỏ khả năng đàm phán gián tiếp với Mỹ (Ảnh: AP)
Iran đã gửi phản hồi thông qua Oman - quốc gia trung gian thường xuyên giữa Mỹ và Iran. Nội dung phản hồi của Iran cho thấy nước này không sẵn sàng nhượng bộ trước các điều kiện mà Mỹ đưa ra, cho rằng các lời đe dọa trong lá thư là "chiến thuật bắt nạt" của Mỹ.
Lâu nay, các nước phương Tây vẫn luôn lo ngại về khả năng phát triển hạt nhân của Iran, đặc biệt trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 đã bị phá vỡ vào năm 2018 trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, khi ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Ngoài ra, Mỹ còn tái áp đặt các lệnh trừng phạt làm tê liệt kinh tế Iran.
Đáp lại, Tehran cũng dần từ bỏ các cam kết hạn chế hạt nhân của mình trong thỏa thuận. Iran thừa nhận đã tăng tốc làm giàu urani lên mức 60% độ tinh khiết - gần đạt cấp độ vũ khí hạt nhân là 90%.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiều lần cảnh báo đây là xu hướng đáng lo ngại.
Lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng này leo thang là đạt được một thỏa thuận hạt nhân hiệu quả, có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, cần có sự thiện chí của cả hai phía. Iran cần cho thấy tính minh bạch và đẩy lùi các hoạt động khiến cộng đồng quốc tế tin rằng họ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Còn về phía Mỹ, Washington cần đưa ra tín hiệu với Iran rằng Hoa Kỳ nghiêm túc về một thỏa thuận cùng có lợi và tránh xa các yêu cầu mà Iran cho là phi thực tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!