Brazil là quốc gia xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng 14% tổng sản lượng toàn cầu
Dịch cúm gia cầm mới đây tại bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, đang khiến ngành chăn nuôi và thị trường thực phẩm nước này rúng động. Tuy nhiên, trong một nghịch lý thú vị, lệnh cấm xuất khẩu gia cầm từ các đối tác lớn lại đang góp phần làm dịu đi áp lực lạm phát giá thực phẩm trong nước.
Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại một trang trại gia cầm trong tuần qua, hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mexico, Argentina và Chile đã lập tức áp đặt lệnh tạm dừng nhập khẩu gia cầm từ Brazil. Điều này đã khiến nguồn cung gia cầm xuất khẩu – chiếm tới 1/3 sản lượng toàn quốc – bị "kẹt" lại, dồn về thị trường nội địa.
Brazil là quốc gia xuất khẩu thịt gà lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng 14% tổng sản lượng toàn cầu. Việc gián đoạn xuất khẩu bất ngờ đã khiến nguồn cung trong nước vượt cầu, đẩy giá gà và trứng giảm nhẹ – một tín hiệu tích cực hiếm hoi trong bối cảnh giá thực phẩm tại đây tăng cao suốt thời gian qua.
Theo cơ quan thống kê Brazil, trong vòng 12 tháng qua, lạm phát thực phẩm tăng 7,8%, góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên 5,5%. Riêng mặt hàng trứng và gia cầm tăng 12,3%, khiến bữa ăn của người dân ngày càng đắt đỏ. Giờ đây, nhờ tác động phụ từ dịch cúm gia cầm, người tiêu dùng Brazil tạm thời có thể mua gà và trứng với giá dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, "cơn mưa giảm giá" này chỉ mang tính ngắn hạn. Ông José Carlos Hausknecht – chuyên gia tại công ty tư vấn MB Agro – nhận định rằng việc dư thừa nguồn cung nội địa có thể gây khó khăn lớn cho các tập đoàn sản xuất lớn như BRF SA và JBS SA. "Nếu lệnh cấm kéo dài, một số sản phẩm có thể tìm đầu ra thay thế, nhưng phần lớn sẽ buộc tiêu thụ trong nước. Điều này không bền vững", ông nói.
Hơn nữa, nếu giá gà giảm xuống dưới mức chi phí sản xuất, người chăn nuôi sẽ giảm đàn, kéo theo nguồn cung thu hẹp trong trung hạn – lúc đó, áp lực tăng giá có thể quay trở lại.
Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) đã khuyến cáo Brazil áp dụng mô hình "khoanh vùng dịch" – nghĩa là chỉ áp dụng biện pháp kiểm dịch ở các vùng có dịch thay vì trên toàn quốc. Đây là phương án cân bằng giữa chống dịch hiệu quả và duy trì dòng chảy thương mại.
Ông Adenauer Rockenmeyer, nhà kinh tế học thuộc Hội đồng Kinh tế Khu vực Sao Paulo, cho biết: "Tác động giảm phát này sẽ rất khiêm tốn. Nếu dịch lây lan sang các trang trại khác và phải tiêu hủy gia cầm diện rộng, giá cả không những không giảm mà còn tăng vọt, thậm chí gây khủng hoảng thị trường thực phẩm".
Chính phủ Brazil đang khẩn trương triển khai các biện pháp khoanh vùng và khôi phục niềm tin của các đối tác nhập khẩu. Thành bại của những nỗ lực này sẽ là yếu tố then chốt quyết định liệu cú sốc cúm gia cầm lần này chỉ là một "nốt trầm" nhất thời hay là mồi lửa châm ngòi cho cuộc khủng hoảng giá thực phẩm tiếp theo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!