Biểu tình lan rộng, Đức loay hoay với bài toán mang tên ‘AfD cực hữu’

Linh Quy (Theo DW, Reuters)-Thứ hai, ngày 12/05/2025 12:45 GMT+7

Hàng ngàn người tụ tập ở Berlin để phản đối đảng cực hữu AfD và chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. (Ảnh: AP)

bangdatally.xyz - Tại Đức, mối lo ngại về sự phân cực xã hội ngày càng gia tăng. Câu hỏi “AfD cực hữu đến mức nào?" đang đe dọa làm sâu sắc thêm sự chia rẽ này.

Ngày 11/5, hàng nghìn người dân trên khắp nước Đức đã xuống đường tuần hành, kêu gọi chính phủ ban hành lệnh cấm đối với đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).

Theo thông báo từ lực lượng cảnh sát, các cuộc biểu tình diễn ra tại hơn 60 thành phố vào ngày Chủ nhật, với mục tiêu gây áp lực buộc chính phủ cấm hoạt động của AfD - chính đảng vừa giành vị trí thứ hai trong cuộc bầu cử trước thời hạn tổ chức vào cuối tháng 2.

Ban tổ chức cho biết riêng tại khu vực Cổng Brandenburg, trung tâm thủ đô Berlin, có trên 7.000 người tham gia. Tuy nhiên, con số mà cảnh sát công bố chỉ khoảng 3.000 người. Ở các địa phương khác, lượng người biểu tình dao động từ vài trăm đến hơn một nghìn.

Người biểu tình diễu hành mang theo biểu ngữ phản đối AfD và đồng thanh hô khẩu hiệu: "Tất cả cùng nhau chống chủ nghĩa phát xít".

Theo các chuyên gia, làn sóng phản đối mạnh mẽ này phần nào xuất phát từ việc AfD gần đây đã nộp đơn kiện lên Tòa án nhằm buộc Cơ quan Tình báo nội địa Đức rút lại quyết định phân loại đảng này là "tổ chức cực đoan".

Trước đó, ngày 2/5, cơ quan tình báo đã công bố bản báo cáo dày hơn 1.100 trang, khẳng định đã thu thập đủ chứng cứ về các hoạt động mang tính cực đoan cánh hữu của đảng AfD. Việc đưa AfD vào danh sách các tổ chức cực đoan cho phép nhà chức trách giám sát chặt chẽ hơn và kịp thời có những phản ứng phù hợp. Tuy nhiên, đến ngày 7/5, Cơ quan Tình báo nội địa đã quyết định tạm ngưng thực hiện việc giám sát này, chờ phán quyết chính thức từ Tòa án.

Biểu tình lan rộng, Đức loay hoay với bài toán mang tên ‘AfD cực hữu’ - Ảnh 1.

(Ảnh: DPA)

Đa số người dân Đức cho rằng cương lĩnh của AfD đi ngược lại với dân chủ, pháp quyền và phẩm giá con người. Thế nhưng, câu hỏi "phải đối phó với AfD như thế nào" lại đang trở thành một điểm nóng có thể tiếp tục chia rẽ xã hội Đức.

Một vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với chính phủ mới của Thủ tướng Friedrich Merz là: Liệu Tòa án Hiến pháp Liên bang có nên xem xét cấm AfD hay không?

Những người phản đối cho rằng động thái đó chỉ khiến xã hội phân hóa thêm, vì 10 triệu cử tri của AfD sẽ không tự dưng biến mất. Trong khi đó, những người ủng hộ lại khẳng định: Không thể để kẻ thù của dân chủ có cơ hội phá hoại nền dân chủ.

Johannes Kiess, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dân chủ Else Frenkel-Brunswik tại Đại học Leipzig, cho rằng việc xem xét khả năng cấm AfD là điều cần thiết.

"Nếu kết luận cho thấy AfD không đe dọa trật tự dân chủ cơ bản, thì chúng ta buộc phải tiếp tục tranh luận với họ trong quốc hội" ông nói với tờ DW. "Nhưng nếu họ thực sự là mối đe dọa, thì vấn đề phân hóa xã hội vẫn sẽ tồn tại, nhưng ít nhất ta đã loại bỏ được một tác nhân cố tình khoét sâu vào sự chia rẽ đó."

Theo chuyên gia Holnburger, không nên thổi phồng vị thế của AfD, và thất bại của Merz trong lần bầu thủ tướng đầu tiên cũng khiến chính trường thêm bất ổn, trước khi ông giành chiến thắng ở vòng hai.

"AfD luôn nhắm vào những biểu hiện bất ổn như vậy để thu lợi chính trị. Nhưng không phải cứ mỗi lần chính phủ gặp khó khăn hay thiếu đa số là AfD lại thắng", ông Holnburger nói.

Một trong những người hiểu rõ về phân cực xã hội và chính trị là Adrian Blattner - nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ). Ông đang tập trung so sánh tình hình tại Mỹ, Brazil và Đức. Theo ông, mức độ "phân cực cảm xúc" - tức sự thù ghét giữa những người ủng hộ các phe đối lập – ở Đức vẫn chưa nghiêm trọng như hai quốc gia còn lại.

Ba năm trước, Blattner và nhóm của ông công bố một nghiên cứu gây tiếng vang. Dựa trên một cuộc thi ý tưởng về cách giảm phân cực, họ đã thử nghiệm 25 giải pháp với 32.000 người tham gia - bao gồm cả trò chơi trực tuyến. Tại Đức, cũng từng có một dự án tương tự với kết quả khả quan. Trước cuộc bầu cử năm 2021, trang Zeit Online đã khởi xướng chương trình "Germany Speaks" - đưa những người có quan điểm chính trị trái ngược vào đối thoại trực tiếp.

Biểu tình lan rộng, Đức loay hoay với bài toán mang tên ‘AfD cực hữu’ - Ảnh 2.

Thất bại của ông Merz trong lần bầu thủ tướng đầu tiên đã khiến chính trường thêm bất ổn. (Ảnh: Panama Pictures)

Blattner phân tích kết quả và nhận thấy sau các cuộc thảo luận, người tham gia có thiện cảm rõ rệt hơn với "phe đối lập". Vì vậy, ông tin rằng cử tri đô thị của Đảng Xanh và cử tri AfD vùng nông thôn có thể hòa giải.

"Một số cử tri Đảng Xanh hay Dân chủ Xã hội cũng ủng hộ chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn, và cũng có cử tri AfD ủng hộ bảo vệ môi trường", ông Blattner nói với DW. Điều quan trọng, theo Blattner, là không nên vơ đũa cả nắm khi nói về cử tri của một đảng.

Ngoài AfD, các chủ đề như nhập cư, biến đổi khí hậu và phúc lợi xã hội là những điểm mấu chốt khiến các nhóm trong xã hội Đức dường như ngày càng khó tìm tiếng nói chung.

Dù vậy, nhà xã hội học Johannes Kiess cho rằng tình hình tại Đức vẫn chưa đến mức chia rẽ sâu sắc như ở Mỹ: "Tại Mỹ, bất kể vấn đề gì được nêu ra, người dân lập tức đứng về hai chiến tuyến đối lập. Đức chưa đến mức đó".

Tân Thủ tướng Đức họp với Nội các mới Tân Thủ tướng Đức họp với Nội các mới

bangdatally.xyz - Tân thủ tướng Đức Friedrich Merz đã có cuộc họp chính thức đầu tiên với Nội các mới tại Berlin.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước