Anh thử nghiệm kỹ thuật làm mát Trái Đất nhằm mục đích ngăn chặn ánh sáng Mặt trời chiếu tới và làm nóng bề mặt Trái đất. (Ảnh: Alamy)
Cơ quan Nghiên cứu và Phát minh Tiên tiến (Aria) của Anh ngày 7/5 thông báo triển khai các thử nghiệm nhỏ tại nhiều khu vực trên toàn cầu, từ Bắc Cực đến rạn san hô Great Barrier, với các phương pháp bao gồm: phun hạt phản xạ vào tầng bình lưu, tạo mây phản chiếu bằng nước biển, và bơm nước lên băng biển để tăng độ dày, từ đó tăng khả năng phản xạ nhiệt và làm mát Trái Đất.
Aria nhấn mạnh, các thử nghiệm sẽ được đánh giá kỹ lưỡng về môi trường và xã hội, có sự tham vấn cộng đồng địa phương, trước khi tiến hành thực địa. Chương trình có ngân sách 56,8 triệu bảng Anh và sẽ kết hợp cả mô hình hóa khí hậu, nghiên cứu tác động và xây dựng khung quản trị quốc tế.
Giáo sư Mark Symes, Giám đốc chương trình, cho biết: "Chúng ta đang tiến sát các điểm tới hạn khí hậu. Dù giảm phát thải là ưu tiên hàng đầu, cần có phương án dự phòng trong trường hợp khẩn cấp".
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và tổ chức môi trường lo ngại "geoengineering" có thể gây hậu quả khó lường, như làm lệch hướng mưa tại các vùng nông nghiệp, hoặc bị triển khai thiếu kiểm soát. Giáo sư Raymond Pierrehumbert (Đại học Oxford) gọi chương trình là "một tiền lệ nguy hiểm". Trong khi đó, Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế cảnh báo: "Đây là con dốc trơn tuột dẫn đến việc triển khai quy mô lớn công nghệ gây tranh cãi".
Một thí nghiệm sẽ tiến hành bơm nước vào băng biển ở Canada vào mùa đông. Nước sẽ đóng băng và bảo quản lớp băng lâu hơn vào mùa hè. (Ảnh: Getty)
Một số thử nghiệm sẽ tiến hành tại rạn san hô Great Barrier - nơi đang chịu tác động nặng nề của hiện tượng nóng lên toàn cầu - với quy mô lên đến 100 km². Một dự án khác ở Canada sẽ bơm nước lên mặt băng để tăng khả năng tồn tại của băng trong mùa hè.
Ngoài ra, Aria cũng tài trợ nghiên cứu mô phỏng phương án đặt tấm chắn Mặt Trời ngoài không gian và dùng drone để đo tác động của tro bụi từ núi lửa - hiện tượng vốn đã tự nhiên làm mát Trái Đất.
Bên cạnh các nhóm khoa học, chương trình còn có 5 nhóm chuyên về đạo đức và quản trị để nghiên cứu cách ra quyết định và triển khai công bằng, đặc biệt với các nước đang phát triển - nơi chiếm tới 85% dân số thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!