Báo RT (Nga) trích dẫn thông tin từ tờ The Times (Anh) đưa ngày 10/5 cho biết, quân đội Anh đang cung cấp cho Ukraine các mô hình thiết bị quân sự dạng "lắp ghép" - kiểu phong cách Ikea (mang đậm tinh thần đơn giản, hiện đại, thực dụng và giá cả phải chăng) - nhằm tạo ấn tượng rằng Kiev đang sở hữu nhiều vũ khí hiện đại hơn thực tế. Chiến dịch đánh lừa này được cho là nhằm làm rối loạn khả năng do thám và tấn công chính xác của Nga.
Các bộ mô hình "mồi nhử" được thiết kế để mô phỏng các khí tài thực do Anh cung cấp, như xe tăng Challenger 2, pháo tự hành AS-90, và các hệ thống phòng không. Chúng được tạo ra bằng cách sử dụng hình ảnh kỹ thuật số của khí tài thật, sau đó in lên vật liệu phẳng, vận chuyển đến Ukraine và lắp ráp nhanh gần chiến tuyến.
"Chúng tôi không cung cấp với số lượng lớn những thiết bị thực sự, vì vậy mọi biện pháp giúp khuếch đại số lượng vũ khí tại tiền tuyến đều mang lại lợi thế cho Ukraine" - Trung tá Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Lowri Simner chia sẻ với báo The Times.
Anh là quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine. (Ảnh: UK MoD)
Chiến dịch này do lực lượng đặc nhiệm Kindred đảm nhiệm - một nhóm gồm 20 người thuộc Bộ Quốc phòng Anh, phối hợp với các chuyên gia trong ngành công nghiệp quốc phòng. Họ khẳng định những mô hình giả này đã vượt xa các chiêu trò ngụy trang thời Thế chiến II nhờ vào sự phát triển của công nghệ vệ tinh và máy bay không người lái trinh sát hiện đại.
Theo Đại tá Olly Todd, người phụ trách quân sự của lực lượng Kindred, với mỗi 5 phương tiện chiến đấu thật được gửi đến Ukraine, Kiev có thể nhận thêm tới 30 bản sao mô hình. "Bạn có thể rất dễ bị đánh lừa", vị quan chức này nhận định, đồng thời nhấn mạnh rằng các mô hình giả đang trở thành yếu tố "thiết yếu" trong chiến tranh hiện đại.
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Katerina Chernohorenko cũng thừa nhận rằng Nga đang sử dụng chiến thuật tương tự, đặc biệt là trong các đợt tấn công bằng UAV. Theo bà, nhiều máy bay không người lái do Nga triển khai mang theo lượng thuốc nổ rất ít, chủ yếu nhằm dụ phòng không Ukraine khai hỏa, qua đó tiêu hao nguồn đạn vốn đã hạn chế.
Bên cạnh các biện pháp ngụy trang, Anh vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với tổng giá trị đã lên tới 13 tỷ Bảng Anh (khoảng 17 tỷ USD). Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Anh cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng quân đội nước này không đủ khả năng ứng phó với một cuộc chiến toàn diện chống lại đối thủ ngang tầm, do nhiều năm cắt giảm ngân sách và trì hoãn mua sắm trang bị.
Nga nhiều lần lên án các đợt cung cấp vũ khí từ phương Tây cho Ukraine, cho rằng hành động này chỉ khiến cuộc xung đột kéo dài mà không thay đổi được kết cục cuối cùng.
Đồng minh ủng hộ Ukraine hết lòng
Từ khi Nga phát động chiến lược quân sự toàn diện tại Ukraine vào tháng 2/2022, Vương quốc Anh đã trở thành một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và kiên định nhất đối với Kiev trên nhiều phương diện, từ quân sự, kinh tế cho đến ngoại giao và nhân đạo. Sự hỗ trợ này không chỉ thể hiện cam kết của Anh đối với an ninh châu Âu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Ukraine duy trì khả năng phòng thủ và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Về mặt quân sự, Anh là một trong những nước đầu tiên cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, trong khi nhiều quốc gia phương Tây còn do dự. Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Anh đã chuyển giao các hệ thống tên lửa chống tăng NLAW - một loại vũ khí đã giúp quân đội Ukraine phá hủy nhiều đoàn xe bọc thép của Nga trong giai đoạn đầu xung đột. Sau đó, Anh tiếp tục mở rộng hỗ trợ bằng cách cung cấp pháo binh, xe tăng Challenger 2, hệ thống phòng không và đạn dược. Đặc biệt, vào năm 2023, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Ukraine, cho phép Kiev tấn công các mục tiêu chiến lược ở xa tuyến đầu.
Ngày 1/3/2025, Anh và Ukraine đã ký thỏa thuận về khoản vay 2,8 tỷ USD để hỗ trợ năng lực quốc phòng của Kiev. (Ảnh: AP)
Ngoài viện trợ vũ khí, Anh còn tổ chức các chương trình huấn luyện quân sự quy mô lớn cho binh sĩ Ukraine. Kể từ mùa hè năm 2022, hàng chục ngàn binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện tại các căn cứ quân sự ở Anh với sự tham gia của các lực lượng đồng minh khác như Canada, Đan Mạch và New Zealand. Các chương trình huấn luyện này không chỉ bao gồm kỹ năng chiến đấu cơ bản mà còn đào tạo chỉ huy, sử dụng vũ khí hiện đại và chiến thuật tác chiến trong điều kiện đô thị hoặc chiến tranh hiện đại.
Trên phương diện kinh tế và nhân đạo, Anh đã cam kết hàng tỷ Bảng hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả viện trợ tài chính trực tiếp và hỗ trợ thông qua các tổ chức quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới. London cũng đã áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên Nga nhắm vào ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân có liên quan đến điện Kremlin. Ngoài ra, Anh mở cửa cho hàng trăm ngàn người tị nạn Ukraine theo các chương trình đặc biệt như "Homes for Ukraine", cho phép công dân Anh tiếp nhận người Ukraine vào nhà mình sinh sống tạm thời.
Về mặt ngoại giao, Anh là một trong những quốc gia chủ trương duy trì sự ủng hộ lâu dài cho Ukraine, bất kể tình hình chiến sự diễn biến ra sao. Các nhà lãnh đạo Anh như Thủ tướng Boris Johnson, Rishi Sunak đều đã đến thăm Kiev trong thời gian chiến tranh, khẳng định sự đoàn kết giữa hai nước. Vương quốc Anh cũng đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự ủng hộ của các nước G7 và NATO đối với Ukraine.
Giới phân tích nhận định vai trò của Anh trong việc hỗ trợ Ukraine là ở mức "toàn diện", thể hiện quyết tâm của một cường quốc châu Âu trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và trật tự toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!