Năm nay, toàn thế giới kỷ niệm 80 năm kết thúc cuộc chiến này. Đây là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, tàn khốc nhất, làm chết và làm bị thương nhiều người nhất trong lịch sử nhân loại.
Kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến II
Chiến tranh thế giới thứ hai là thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người với khoảng 100 triệu người chết (kể cả những người chết do ảnh hưởng gián tiếp của chiến tranh). Trong đó, có khoảng 6 triệu người Do Thái đã thiệt mạng trong các trại tập trung của phát xít Đức. Hàng trăm triệu người chịu thương tật. Hàng trăm triệu người bị mất nhà cửa.
Ngày Chiến thắng không chỉ là ngày kỷ niệm chiến thắng của các nước đồng minh đánh bại chủ nghĩa phát xít, mà còn là ngày mà toàn nhân loại tưởng niệm các nạn nhân của cuộc chiến này. Đây cũng là ngày hòa giải để vĩnh viễn không bao giờ xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới mà hậu quả có thể dẫn đến sự diệt vong của loài người.
Thế chiến II đã lùi xa 8 thập kỷ. Những người có mặt trong Ngày Chiến thắng vào năm 1945 nay đều đã ở tuổi "gần đất xa trời". Tuy nhiên, những ký ức về thời kỳ chiến tranh gian khổ mà hào hùng, bi tráng, cùng những cảm xúc vỡ òa của Ngày Chiến thắng vẫn in đậm trong tâm trí họ.
Ký ức về Ngày Chiến thắng
Ông Nikolai Shishkin lại khoác lên mình bộ quân phục nặng trĩu huân huy chương để chuẩn bị tham dự Lễ Diễu binh nhân Ngày Chiến thắng phát xít trên Quảng Trường Đỏ ở thủ đô Moscow, Nga. Ở tuổi 103, cựu chiến binh Nga này vẫn nhớ rõ Ngày Chiến thắng 9/5/1945.
Ông Nikolai Shishkin chia sẻ: "Khi chiến thắng đến, mọi người bắt đầu ăn mừng! Với nước mắt, tiếng hát, điệu nhảy và tất cả mọi thứ. Chẳng hạn như có hai người bạn, chồng của một người đã hi sinh, trong khi chồng của người kia đã trở về. Rõ ràng, một người vui sướng còn người kia thì khóc. Bởi vậy, chúng tôi vẫn nói rằng chiến thắng ấy cũng thấm đẫm cả nước mắt".
Cùng thời điểm cách đây 80 năm, ở nước Anh cách đó hàng nghìn km, bà Dorothea Barron - khi ấy là người phát tín hiệu cho quân đội Anh - là một trong số những người đầu tiên được nhận tin chiến thắng .
Bà Dorothea Barron - cựu binh Thế chiến II người Anh - bày tỏ: "Chắc chắn là rất phấn khích rồi. Đó là một cảm giác thật sự nhẹ nhõm, chúng tôi đều hy vọng hòa bình sẽ được lâu dài. Đi kèm với đó là một cảm giác to lớn ập đến 'giờ thì chúng ta sẽ làm gì đây?".
Họ nằm trong số những nhân chứng cuối cùng của cuộc chiến tranh đang dần trở thành quá khứ. Tuy nhiên, câu chuyện của họ và bài học về niềm tin cùng khát vọng hòa bình vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho hiện tại và tương lai.
Thông điệp hòa bình gửi tương lai
Từ những góc khuất đau thương nhất, với những vết thương chưa lành của lịch sử, những người sống sót đã dành cả cuộc đời để cất lên tiếng nói cảnh tỉnh nhân loại về thảm họa chiến tranh và giá trị bất diệt của hòa bình. Chúng ta sẽ cùng lắng nghe những thông điệp mà họ gửi gắm tới các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ông Bogdan Bartnikowski - người sống sót từ trại tập trung của phát xít Đức: "Tôi buồn khi phải nói rằng nhân loại đã học được rất ít từ thảm kịch khiến hàng triệu người thiệt mạng. Loài người đang đối mặt với một vấn đề lớn làm thế nào để ngăn chặn những cuộc chiến tiếp theo. Ngay cả bây giờ, vẫn có khoảng 50 cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, nơi con người đang chết dần, phải rời bỏ nhà cửa, mất đi người thân, đói khát và thiệt mạng. Nhân loại phải nhớ về toàn bộ bi kịch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Nhưng họ không nên sống chỉ trong quá khứ mà phải sống cho hiện tại và nghĩ về tương lai, để những thời khắc ấy không bao giờ lặp lại".
Bà Ginette Kolinka - người sống sót từ trại tập trung Auschwitz: "Điều chúng ta phải ghi nhớ là tất cả những gì xảy ra đều bắt nguồn từ lòng hận thù của một người dành cho người Do Thái. Vì vậy, hãy cẩn trọng - hận thù là thứ nguy hiểm. Ngay khi chúng ta nói người này thế này, người kia thế nọ, đó đã là lúc chúng ta tạo ra sự khác biệt, trong khi thực tế dù là người Do Thái, Hồi giáo, Cơ đốc, da màu - tất cả chúng ta đều là con người".
Ông Stephan Well - Thủ hiến vùng Hạ Saxony, Đức: "Ở nhiều nước trên thế giới và đáng tiếc là ngay cả tại Đức, chúng ta đang chứng kiến sự kỳ thị và bạo lực nhắm vào những người khác biệt, theo cách này hay cách khác. Chúng ta đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Điều này có thể thấy ở nhiều nơi, nhưng không đâu đáng báo động hơn là tại Đức. Nạn diệt chủng đối với người Do Thái là một phần lịch sử của chúng ta. 'Không bao giờ nữa' là mệnh lệnh từ Hiến pháp Đức. Điều này đặt lên vai chúng ta một trách nhiệm đặc biệt".
Bà Malaa Tribich - người Ba Lan sống sót khỏi nạn diệt chủng người Do Thái: "Thông điệp của tôi cho tương lai là tất cả chúng ta phải cảnh giác và hành động để chống lại thù hận, bao gồm cả bài Do Thái và phân biệt chủng tộc nhắm vào bất kỳ nhóm người nào. Chúng ta có thể thấy ở thế giới hiện tại và khắp châu Âu rằng chủ nghĩa bài Do Thái không biến mất hoàn toàn và có thể dễ dàng bị kích động. Con người vốn có điểm yếu là đổ lỗi và hận thù người khác khi được cổ vũ. Vì vậy, nghĩa vụ của tất cả chúng ta là không được thờ ơ trước những dấu hiệu của bất công và hận thù - điều đó là sai trái về mặt đạo đức. Nếu bạn thấy bất công hoặc hận thù, hãy hành động, đừng nhân nhượng".
80 năm đã trôi qua, nhưng tiếng vọng từ quá khứ vẫn như lời nhắc nhớ về những mất mát, đau thương không thể xóa nhòa của chiến tranh. Những nhân chứng cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai đang truyền ngọn đuốc cho thế hệ hôm nay, bàn giao trách nhiệm giữ cho ngọn lửa hòa bình không bao giờ tắt. Thông điệp mà họ muốn gửi gắm là sự đoàn kết sẽ giúp nhân loại có thể viết tiếp câu chuyện tương lai không còn máu và nước mắt, mà chỉ có hy vọng, hòa bình và phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!