Bang Quintana Roo phối hợp với hải quân Mexico thu gom rong biển trên biển. (Ảnh: Bộ Môi trường Quintana Roo)
Một khối lượng tảo sargassum khổng lồ dài tới 5.500 dặm (8.800 km) đang trôi nổi trên Đại Tây Dương, đe dọa các bờ biển từ bang Florida (Mỹ) đến khu vực Caribbean. Theo các nhà khoa học, khối tảo này không chỉ là nỗi ám ảnh thị giác mà còn gây tổn hại lớn đến hệ sinh thái biển và ngành du lịch.
Tảo sargassum từng là nguồn sống quan trọng cho nhiều loài sinh vật biển ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, khi trôi dạt vào bờ với khối lượng lớn, chúng phân hủy, phát tán khí độc như hydro sulfide và amoniac, gây mùi hôi thối và đe dọa sức khỏe người dân.
Trạm giám sát UNAM theo dõi rong sargassum tại Puerto Morelos, Mexico, ngày 2/4/2025. (Ảnh: UNAM)
Năm nay, theo ước tính của Đại học Nam Florida, lượng tảo đã đạt tới 31 triệu tấn, tăng 40% so với mức kỷ lục hồi tháng 6/2022. Giáo sư Brian LaPointe tại Viện Hải dương học Harbor Branch nhận định nguyên nhân là do biến đổi khí hậu và lượng lớn phân bón chứa nitơ từ các vùng nông nghiệp đổ ra Đại Tây Dương qua sông Mississippi và Amazon.
Không chỉ gây ô nhiễm, tảo còn làm giảm lượng oxy trong nước, đe dọa đến sự sống của rạn san hô, cỏ biển và các loài sinh vật ven biển. Những khu nghỉ dưỡng tại Mexico, Barbados và Florida phải sử dụng xe cơ giới để dọn tảo mỗi ngày, gây tổn thất tài chính lớn và ảnh hưởng đến môi trường.
Vành đai rong biển bao quanh thuyền tại bến Dinner Key Marina, Miami, Florida, ngày 8/5. (Ảnh: Getty Images)
Trước tình hình trên, nhiều quốc gia như Mexico đã triển khai các giải pháp như dựng rào chắn dài gần 10km để ngăn tảo trôi vào bờ. Một số nhóm nghiên cứu cũng đang xem xét tận dụng tảo làm nhiên liệu sinh học, vật liệu xây dựng, hay thay thế nhựa sử dụng một lần nhằm giảm thiểu thiệt hại và tận dụng nguồn sinh khối khổng lồ này.
Giáo sư Christian Appendini từ Đại học Tự trị Quốc gia Mexico cảnh báo: "Hiện tượng nở hoa tảo sargassum là lời cảnh báo về tác động của hoạt động phát triển thiếu bền vững. Chúng ta cần thay đổi cách con người đang can thiệp vào thiên nhiên".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!