Nghiên cứu do Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước (CEEW) - tổ chức nghiên cứu về khí hậu và năng lượng có trụ sở tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ - công bố mới đây. Theo đó, 10 bang và vùng lãnh thổ liên bang của nước này được xác định có nguy cơ cao nhất gồm New Delhi, Maharashtra, Goa, Kerala, Gujarat, Rajasthan, Tamil Nadu, Andhra Pradesh, Madhya Pradesh và Uttar Pradesh. Trong đó, hơn một nửa số quận tại Ấn Độ nằm trong vùng rủi ro nhiệt cao.
Là một phần của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu CEEW đã phát triển Chỉ số rủi ro nhiệt (HRI) cho 734 quận, sử dụng dữ liệu khí hậu trong 40 năm (từ năm 1982 - 2022) và hình ảnh vệ tinh để nghiên cứu xu hướng nhiệt, sử dụng đất, các vùng nước và thảm thực vật xanh.
"Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng 417 trong số 734 quận của Ấn Độ nằm trong nhóm rủi ro cao (151 quận) và thuộc nhóm rủi ro rất cao (266 quận). Tổng cộng có 201 quận nằm trong nhóm rủi ro trung bình và 116 quận nằm trong nhóm rủi ro thấp hoặc rất thấp. Điều này không có nghĩa là các quận này không có rủi ro nhiệt mà là rủi ro này tương đối thấp hơn so với các quận khác" - ông Vishwas Chitale, trưởng nhóm chương trình cấp cao tại CEEW, cho biết.
Phụ nữ dùng khăn quàng cổ che chắn nắng nóng thiêu đốt (Ảnh: PTI)
Theo nghiên cứu, số ngày rất nóng đang tăng lên ở Ấn Độ. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là số đêm rất nóng còn tăng nhiều hơn, gây ra rủi ro cho sức khỏe. Nhiệt độ ban đêm cao được coi là nguy hiểm vì cơ thể không có cơ hội để hạ nhiệt. Nhiệt độ ban đêm tăng cao thường xảy ra ở các thành phố do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, trong đó các khu vực đô thị nóng hơn đáng kể so với môi trường xung quanh.
Báo cáo cũng nêu bật sự thay đổi rõ rệt trong các xu hướng nhiệt tại Ấn Độ trong giai đoạn từ năm 1982 - 2022, cho thấy tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu đối với các mô hình thời tiết địa phương.
Theo đó, ngay cả ở các vùng Himalaya mát mẻ từ trước đến nay - nơi ngưỡng nhiệt thấp hơn so với đồng bằng và bờ biển - đều tăng số lượng ngày rất nóng và đêm rất ấm. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái vùng núi.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng độ ẩm trong mùa hè ở miền Bắc Ấn Độ đã tăng từ 30 - 40% lên 40 - 50% trong thập kỷ qua, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng do nhiệt, đặc biệt là ở đồng bằng Ấn - Hằng, nơi những người nông dân làm việc ngoài trời.
Người dân được khuyến cáo tránh ra ngoài vào giờ cao điểm tiếp xúc với nhiệt độ cao (Ảnh: Indian Express)
Ngoài ra, buổi sáng sớm hiện có cảm giác nóng hơn do điều kiện ẩm ướt. Các thành phố như New Delhi, Chandigarh, Jaipur và Lucknow đã chứng kiến mức tăng từ 6% đến 9%. Các thành phố như Mumbai, New Delhi và phần lớn đồng bằng Ấn - Hằng phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao nhất vì mật độ dân số cao, các tòa nhà dày đặc, các vấn đề kinh tế - xã hội và sức khỏe hiện tại làm trầm trọng thêm rủi ro do nhiệt.
Nắng nóng cực độ đã phá vỡ mọi kỷ lục vào năm 2024 - năm nóng nhất từng được ghi nhận tại Ấn Độ và trên toàn cầu. Năm 2025, quốc gia này ghi nhận đợt nắng nóng đầu tiên vào ngày 27 - 28/2, sớm hơn nhiều so với ngày 5/4/2024.
Các đợt nắng nóng nghiêm trọng và thường xuyên đang gây thêm gánh nặng cho các hộ gia đình thu nhập thấp ở Ấn Độ. Người dân không có đủ nước và thiết bị làm mát. Đồng thời, người phải lao động ngoài trời làm việc vất vả dưới ánh nắng gay gắt, buộc họ phải nghỉ ngơi thường xuyên.
Trước tình hình này, báo cáo nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc áp dụng các chiến lược thích ứng, tăng cường quy hoạch đô thị và năng lực chống chịu trước các hiện tượng nhiệt cực đoan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!