"Điều này nhằm gia tăng áp lực buộc Điện Kremlin phải chấp nhận lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày tại Ukraine" - nhóm gồm 15 quốc gia thành viên EU đã tuyên bố trong một lá thư chung gửi cho Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh EU Kaja Kallas.
Đề xuất này được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán trực tiếp, cấp thấp vào tuần trước giữa phái đoàn Ukraine và Nga đã không đạt được tiến triển về đề xuất ngừng bắn vốn được "Liên minh những nước sẵn sàng" và Mỹ ủng hộ mạnh mẽ.
Brussels đã đe dọa sẽ áp dụng một loạt lệnh trừng phạt mới nếu Nga tiếp tục trì hoãn và từ chối lệnh ngừng bắn.
"Đã đến lúc hơn bao giờ hết để làm mới và tăng cường mối quan hệ của chúng tôi với các đối tác toàn cầu để đảm bảo họ ủng hộ sáng kiến này" - 15 quốc gia thành viên EU viết trong thư được gửi vào ngày 19/5 trước cuộc họp của các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao EU vào ngày 20/5 - "Nhiều quốc gia duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Moscow, điều này có thể và nên được tận dụng để gia tăng áp lực ngoại giao lên Nga. Hoạt động tiếp cận này phải diễn ra theo cả hai hướng, phải tính đến tình hình và mối quan tâm cụ thể của các quốc gia trong khu vực".
Quốc kỳ 5 quốc gia thành viên BRICS ban đầu (Ảnh: Getty)
Áo là quốc gia dẫn đầu sáng kiến này. Bỉ, Bulgaria, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Đức, Ireland, Luxembourg, Hà Lan, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha và Thụy Điển đã cùng ký vào bức thư.
"Điều quan trọng là Liên minh châu Âu phải hành động nhanh chóng, quyết đoán hướng tới một sáng kiến ngoại giao mới và phối hợp nhằm xây dựng một liên minh toàn cầu rộng lớn để ủng hộ lệnh ngừng bắn hoàn toàn, vô điều kiện và ngay lập tức" - 15 bên ký cho biết. "Bây giờ là lúc hành động vì một lệnh ngừng bắn ở Ukraine để chấm dứt đổ máu".
Mặc dù không được nêu tên, bức thư có vẻ nhắm vào mối quan hệ với BRICS - tổ chức quốc tế bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm này - thường được mô tả là đối trọng với Nhóm G7 - đã kết nạp các thành viên mới gồm Ai Cập, Ethiopia, Indonesia, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Các thành viên BRICS đã không đồng thuận với phương Tây, từ chối áp dụng lệnh trừng phạt hoặc cắt giảm thương mại song phương với Nga. Một số nhà lãnh đạo BRICS - như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Lula da Silva, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi - đã tham dự Lễ Duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5 của Nga - điều mà Brussels lên án là một sự kiện tuyên truyền để biện minh cho hành động tấn công Ukraine của Moscow.
Tuy nhiên, EU đã dần chuyển sang cách tiếp cận thực tế để khám phá các cơ hội kinh tế và chính trị với các quốc gia đồng minh của Điện Kremlin, với hy vọng sự xích lại gần nhau sẽ thuyết phục họ áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Nga.
Năm ngoái, Brussels đã ký kết một thỏa thuận thương mại khổng lồ với Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ (Mercosur), bao gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay, và có ý định làm như vậy với Ấn Độ vào cuối năm 2025. Các cuộc đàm phán thương mại cũng đang diễn ra với Indonesia và UAE. Một hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Nam Phi đã diễn ra vào đầu năm nay, tập trung vào năng lượng và đầu tư. Một hội nghị thượng đỉnh cấp cao khác cũng đã được tổ chức với các quốc gia Trung Á.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!