Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam

Tuấn Văn, icon
06:00 ngày 27/05/2025

bangdatally.xyz - Mỗi năm, thuốc lá khiến hơn 100.000 người Việt tử vong. Các chuyên gia kêu gọi cảnh giác trước chiến lược tiếp thị và nguy cơ tiềm ẩn từ thuốc lá thế hệ mới.

Hình minh họa.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 2025 với chủ đề "Vạch trần sự hấp dẫn giả tạo: Phơi bày các chiến thuật của ngành công nghiệp đối với các sản phẩm thuốc lá và nicotin", Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức Hội thảo khoa học về tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá. Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia đầu ngành, nhằm phân tích những chiến lược tinh vi mà ngành công nghiệp thuốc lá đang sử dụng, đồng thời làm rõ hơn các tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 8 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó khoảng 1,3 triệu ca là do hút thuốc thụ động. Tại Việt Nam, con số này cũng đáng báo động: trên 100.000 người tử vong hằng năm, tức mỗi ngày có gần 300 gia đình phải đối mặt với nỗi đau mất người thân.

Ước tính, có khoảng 84.500 người chết vì hút thuốc chủ động và 18.800 người vì hút thuốc thụ động. Không dừng lại ở tác động đến sức khỏe, thuốc lá còn gây thiệt hại kinh tế rất lớn. Tổng chi phí thiệt hại tại Việt Nam do thuốc lá gây ra ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, cao gấp 5 lần nguồn thu từ thuế thuốc lá.

PGS.TS. Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia hô hấp cho biết: "Chúng ta cần nhìn nhận rõ gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra. Nó không chỉ đe dọa sức khỏe cá nhân mà còn tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế và sự phát triển của đất nước".

Trước sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ với thuốc lá truyền thống, các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được tiếp thị với những thông điệp dễ gây hiểu lầm như "ít độc hại", "giúp cai thuốc" hay "an toàn hơn". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là những sản phẩm chứa nicotine - chất gây nghiện mạnh - và nhiều hương liệu chưa được kiểm định đầy đủ.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: "Chúng tôi đã ghi nhận hơn 120 ca ngộ độc nicotine liên quan đến thuốc lá điện tử trong giai đoạn 2022–2023. Bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng nguy hiểm như co giật, rối loạn ý thức, suy đa tạng và đột quỵ. Đáng lo ngại là một tỷ lệ lớn trong số này là học sinh, sinh viên".

Đồng quan điểm, TS. Jennifer Horton – Phó Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ lo ngại về các chiến lược tiếp thị của ngành công nghiệp thuốc lá, trong đó bao bì bắt mắt và hương vị hấp dẫn đã khiến nhiều bạn trẻ sa vào thói quen sử dụng sản phẩm mà không nhận thức đầy đủ rủi ro.

Trước thực trạng này, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò trung tâm của nhân viên y tế trong công tác tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Họ không chỉ cung cấp thông tin chính xác, cập nhật mà còn tạo động lực và đồng hành cùng bệnh nhân trên hành trình từ bỏ thuốc.

PGS.TS. Phan Thu Phương – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Một tư vấn ngắn gọn cũng có thể giúp tăng tỷ lệ bỏ thuốc lên 5-10%. Nếu áp dụng đúng quy trình 5A kết hợp các biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả có thể nâng lên gần 30%".

TS. Jennifer Horton cũng nhấn mạnh rằng, đầu tư vào đội ngũ y tế là chiến lược bền vững: "Lời khuyên của nhân viên y tế có khả năng làm thay đổi hành vi. Họ chính là những người tiên phong trong cuộc chiến chống lại tác hại của thuốc lá".

Tại Bệnh viện Bạch Mai, công tác hỗ trợ cai nghiện thuốc lá được triển khai bài bản. Trong năm 2024, hơn 7.400 lượt bệnh nhân đã tham gia chương trình tư vấn, và 81,6% trong số đó thể hiện quyết tâm từ bỏ thuốc. Tổng đài 1800.6606 vẫn đang hoạt động miễn phí, hỗ trợ hàng nghìn người tìm lại cuộc sống không khói thuốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục