Phát hiện viêm phổi do phế cầu sau hai tuần sốt, ho không đáp ứng kháng sinh

Linh Chi, icon
11:09 ngày 01/05/2025

bangdatally.xyz - Nữ bệnh nhân 48 tuổi nhập viện vì ho, sốt kéo dài không đáp ứng thuốc. Xét nghiệm phát hiện viêm phổi do phế cầu - bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu điều trị muộn.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy đám đông đặc kèm kính mờ ở phổi.

Bệnh nhân B.T.P.A., đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec sau khoảng hai tuần xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, ho khan, đau họng và chảy nước mũi. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tại một phòng khám với chẩn đoán viêm mũi họng cấp và dùng hai đợt kháng sinh, nhưng không có cải thiện.

Hai ngày trước khi nhập viện, tình trạng chuyển nặng rõ rệt: sốt cao đến 39 độ C, ho đờm vàng đặc, nghẹt mũi, tức ngực và khó thở. Bệnh nhân tự xét nghiệm cúm và COVID-19 tại nhà, kết quả đều âm tính.

Khi thăm khám tại bệnh viện, bệnh nhân tỉnh táo nhưng mệt mỏi, sốt 38 độ C, mạch nhanh (114 lần/phút), huyết áp 100/60 mmHg và nhịp thở 22 lần/phút. Bác sĩ ghi nhận phổi có ran ẩm, ran rít hai bên - dấu hiệu điển hình của nhiễm trùng hô hấp.

Tiền sử y khoa của bệnh nhân không ghi nhận bệnh mạn tính, ngoại trừ ca phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn vào năm 2018. Không ai trong gia đình có bệnh lý liên quan.

Dưới chỉ định của BSCKII Hoàng Minh Toại - chuyên khoa hồi sức cấp cứu, bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm máu, vi sinh và chẩn đoán hình ảnh. Kết quả cho thấy bạch cầu tăng cao (22,52 G/L), chỉ số CRP tăng mạnh (148 mg/L), men gan tăng (AST: 237 U/L, ALT: 295 U/L).

Hình ảnh CT ngực phát hiện đám đông đặc kèm kính mờ ở thùy giữa phổi phải và thùy dưới phổi trái - tổn thương điển hình của viêm phổi nặng. Đồng thời, xét nghiệm PCR đờm và nuôi cấy vi sinh xác định tác nhân gây bệnh là Streptococcus pneumoniae - phế cầu khuẩn.

Sau khi xác định nguyên nhân, bệnh nhân được điều trị nội trú bằng kháng sinh đặc hiệu, thuốc long đờm và hỗ trợ chức năng gan. Phác đồ điều trị được xây dựng dựa trên kết quả vi sinh - đảm bảo tính chính xác, tránh lạm dụng kháng sinh phổ rộng.

Sau hai ngày điều trị, bệnh nhân hết sốt, giảm tức ngực, lượng đờm giảm đáng kể. Sau một tuần, tình trạng ổn định, không còn khó thở hay sốt, chỉ còn ho khan nhẹ.

Ca bệnh này cho thấy tầm quan trọng của việc không chủ quan trước các triệu chứng ho, sốt thông thường, và nhấn mạnh vai trò của xét nghiệm vi sinh trong điều trị kháng sinh chính xác, hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục