Liên quan đến vụ án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh cầm đầu, chiều nay (13/5), Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can thuộc Cục An toàn thực phẩm, trong đó có nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong về tội Nhận hối lộ.
Bước đầu cơ quan công an đã làm rõ các đối tượng sản xuất hàng giả đã thông đồng, móc ngoặc với những cán bộ liên quan quản lý lĩnh vực này.
Các vụ hàng giả là thực phẩm với quy mô cực lớn liên tiếp bị cơ quan công an phát hiện trong thời gian gần đây vẫn đang là mối quan tâm rất lớn đối với người dân. Người tiêu dùng cần câu trả lời về trách nhiệm, về giải pháp trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm, để không còn tình trạng, sữa, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt lại bị làm giả dễ dàng với số lượng lớn trên khắp cả nước như vừa qua.
Gần 3,2 tỷ đồng là số tiền mà các đối tượng đã chi cho nhiều lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hậu kiểm và nhằm được tạo điều kiện trong việc xin cấp phép công bố sản phẩm cho nhóm 9 công ty sản xuất, mua bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
"Khi tiếp nhận hồ sơ công bố, chúng tôi thấy hoàn toàn dựa vào tài liệu doanh nghiệp cung cấp thì chưa đảm bảo được tính khách quan toàn diện trong vấn đề cấp cho doanh nghiệp công dụng như doanh nghiệp đề xuất", bị can Đinh Quang Minh (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết.
"Khi hậu kiểm về như thế, anh Cao Văn Trung có đưa cho tôi 1 phong bì 50 triệu nói là doanh nghiệp cảm ơn. Như vậy trong 4 lần đi cấp chứng nhận GBM và cấp lại cho 2 nhà máy, 1 lần hậu kiểm, anh Cao Văn Trung đưa tổng cộng cho tôi là 250 triệu đồng", bị can Nguyễn Thanh Phong (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) khai nhận.
Theo quy định, điều kiện để sản xuất thực phẩm bổ sung sức khỏe là nhà máy sản xuất phải được thẩm định. Còn điều kiện để tiêu thụ sản phẩm phải được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép công bố sản phẩm. Tuy nhiên, hiện các quy định để được cấp giấy chứng nhận và giấy phép vô cùng lỏng lẻo.
"Sai phạm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp lợi dụng khi quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng đã làm cho công tác kiểm tra hậu kiểm giảm tính khách quan", bị can Cao Văn Trung (Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho hay.
Các vụ hàng giả là thực phẩm với quy mô cực lớn liên tiếp bị cơ quan công an phát hiện trong thời gian gần đây vẫn đang là mối quan tâm rất lớn đối với người dân.
Một trong những lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác quản lý chất lượng thực phẩm bảo vệ sức khỏe nữa đó là theo quy định của Luật An toàn thực phẩm, khi thực phẩm chức năng đưa ra lưu thông trên thị trường cần phải có báo cáo thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên quy định về hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm lại không yêu cầu báo cáo này. Như vậy, sản phẩm cứ lưu thông và không có một căn cứ nào để chứng minh chất lượng của sản phẩm như doanh nghiệp công bố.
Là cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, là nơi người dân gửi gắm niềm tin, sức khỏe, tuy nhiên một số lãnh đạo, cán bộ ở Cục An toàn thực phẩm dù biết rằng cơ chế quy định pháp luật còn thiếu sót, lỏng lẻo, thay vì tìm cách để quản lý chặt chẽ hơn, thực tế lại thông đồng và nhận tiền của những đối tượng sản xuất thực phẩm giả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!